Cần theo dõi bệnh tiểu đường ở các thai phụ

ngày 19/12/2022

Trong những tháng thai kỳ, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi và bệnh tiểu đường thai nghén hay xảy ra ở phụ nữ béo phì, hoặc người đã chững tuổi mang thai. Đặc biệt, người đã bị tiểu đường trước lúc có thai thì bệnh dễ bị nặng thêm. Bởi vậy, việc chăm sóc cho những phụ nữ bị tiểu đường hoặc có nguy cơ cao mắc tiểu đường trong thời kỳ mang thai rất quan trọng.

Trong những tháng thai kỳ, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi và bệnh tiểu đường thai nghén hay xảy ra ở phụ nữ béo phì, hoặc người đã chững tuổi mang thai. Đặc biệt, người đã bị tiểu đường trước lúc có thai thì bệnh dễ bị nặng thêm. Bởi vậy, việc chăm sóc cho những phụ nữ bị tiểu đường hoặc có nguy cơ cao mắc tiểu đường trong thời kỳ mang thai rất quan trọng.

Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên kiểm tra sức khỏe cho thai phụ.

Theo bác sĩ Đặng Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Khám bệnh (Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên): Khi người bị bệnh tiểu đường có thai hoặc khi người có thai bị tiểu đường, bệnh đều có ảnh hưởng xấu đến mẹ và con. Mẹ bị tiểu đường kèm theo thai nghén dễ dẫn đến bị nhiễm độc thai nghén (tiền sản giật và sản giật), bà mẹ cũng dễ bị nhiễm trùng nặng, có tỷ lệ sinh phải can thiệp nhiều hơn (mổ sinh, chịu các thủ thuật do sinh khó). Sau khi sinh, tình trạng tiểu đường có thể trầm trọng hơn. Những người trước đó không bị tiểu đường nhưng bị tiểu đường khi thai nghén thì có khoảng 5-20% sau khi sinh vẫn tiếp tục bị bệnh.

Cũng theo bác sĩ Thủy, thai nhi của các bà mẹ này có tỷ lệ tử vong chu sinh cao. Thai có thể bị dị tật, khi sinh ra cũng dễ bị tiểu đường. Tâm thần kinh của trẻ thường chậm phát triển. Sự trưởng thành về phổi của thai trong dạ con bà mẹ bị tiểu đường thường chậm hơn so với thai nhi của các bà mẹ không bị bệnh. Do vậy, nếu những trẻ này sinh non thì dễ bị suy hô hấp…

Trước đây, do chưa nhận thức được nguy cơ của bệnh tiểu đường trong quá trình mang thai nên nhiều sản phụ chưa mấy quan tâm. Hiện nay, nhờ được truyền thông tốt nên nhiều bà mẹ có nguy cơ mắc tiểu đường hoặc bị tiểu đường trước khi mang thai đã chủ động đến các cơ sở y tế để được khám thai và thực hiện xét nghiệm đường huyết ở giai đoạn sớm.

Chị Lê Thị Hạnh, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), cho hay: Tôi đang mang thai ở tuần thứ 22. Do thể trạng thừa cân, béo phì nên khi mang thai ở 12 tuần đầu tôi đã làm xét nghiệm đường huyết. Rất may, tôi không bị mắc tiểu đường nhưng vẫn luôn có ý thức ăn uống khoa học để mẹ khỏe, con khỏe. Bác sĩ có hẹn tôi khi đến tuần thứ 24-28 sẽ thực hiện tiếp xét nghiệm sàng lọc tình trạng bất dung nạp đường trong thai kỳ...

Ngoài những trường hợp may mắn không phát hiện tiểu đường ở những tháng đầu thai kỳ như chị Hạnh thì nhiều phụ nữ mắc tiểu đường trước khi mang thai đều rất lo lắng.

Để bệnh không biến chứng, người mắc tiểu đường phải ăn kiêng, duy trì uống thuốc điều trị đều đặn. Do đó, khi mang thai, người mắc tiểu đường cần thực hiện chế độ ăn uống theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, cần được theo dõi chặt chẽ lượng đường huyết và điều chỉnh liều thuốc. Ngoài ra cần thực hiện các xét nghiệm khác để đánh giá sức khỏe của thai nhi, siêu âm máu để theo dõi những thay đổi hệ thống mạch máu có thể làm tổn hại đến thai nhi.

Hiện, bệnh cạnh những phụ nữ đã có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc kiểm soát bệnh tiểu đường khi mang thai thì vẫn còn không ít sản phụ chủ quan nên đến tháng cuối thai kỳ mới phát hiện gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Các thống kê cho thấy, có khoảng 2-5% thai phụ bị tiểu đường thời kỳ thai nghén; khoảng 35-50% bệnh nhân tiểu đường thời kỳ thai nghén về sau sẽ mắc tiểu đường type 2.

Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi phụ nữ mang thai nên kiểm tra để phát hiện tiểu đường trong tháng thứ 6 của thai kỳ (tuần thứ 24-28); duy trì chế độ ăn uống phù hợp, tập thể dục và giảm trọng lượng cơ thể…

Nguồn: baothainguyen.vn