Ca bệnh hiếm gặp, bệnh nhân rụng tóc xơ hóa vùng trán

ngày 27/04/2021

Bệnh nhân cho biết tình trạng này kéo dài đã 7 năm nay và đã điều trị nhiều nơi nhưng tình trạng không thuyên giảm. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc bệnh lý kết hợp giữa tình trạng rụng tóc xơ hóa vùng trán Frontal Fibrosing Alopecia (FFA) và Lichen phẳng sắc tố Lichen Planus Pigmentosus (LPP).

Hình ảnh bệnh nhân bị rụng tóc, xơ hóa vùng trán hiếm gặp

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết từ năm 2014 chị bị nổi các dát sậm màu ở mặt xen kẽ là những đốm giảm sắc tố. Đồng thời, trong thời gian đó, tóc chị rụng dần, đường chân tóc bị lùi dần hướng về vùng đỉnh đầu. Chị cho biết đã từng điều trị bằng thuốc bôi (không rõ loại), điều trị laser và tình trạng sạm da có cải thiện ít nhưng sau đó lại tái lại.

Nghe nhiều người chỉ uống thuốc bắc có thể cải thiện chị có sử dụng nhưng tình trạng tóc và da vẫn không thay đổi. Năm 2017, tóc chị rụng nhiều hơn, nhiều dát tăng giảm sắc tố xen kẻ, chị đến khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM để khám.

ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú – Phó trưởng Khoa Thẩm mỹ da, BV Da Liễu TP.HCM cho biết lúc đến khám, ghi nhận bệnh nhân bị rụng tóc ½ da đầu phía trước, lông mày rụng. Nhiều dát tăng giảm sắc tố rải rác vùng mặt, cổ, da đầu…không tróc vảy, không viêm đỏ. Bệnh nhân được xác định mắc bệnh lý kết hợp giữa tình trạng xơ hóa vùng trán (FFA) và lichen phẳng sắc tố (LPP).

Bệnh nhân còn bị các dát sậm màu, các đốm giảm sắc tố

Theo BS Ánh Tú, các bệnh nhân có sự kết hợp giữa 2 bệnh lý này khá hiếm gặp, thường ở độ tuổi 25-56 tuổi, hay xuất hiện ở những người có típ da sậm màu.

Đa số sạm da xuất hiện trước khoảng 14 tháng, sau đó dần dần xuất hiện rụng tóc, trung bình 1 năm tiến triển từ 0,6-1,1 cm. Nguyên nhân hiện nay vẫn chưa rõ nhưng bệnh có liên quan đến ánh nắng mặt trời, viêm da tiếp xúc…việc điều trị vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là phục hồi lại phần tóc đã rụng.

Nguồn SK&ĐS