Thảo luận về chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình mới, các thành viên Ban chỉ đạo khẳng định, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đến nay, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch chưa đến 400 triệu USD. Việt Nam là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.
Thời gian tới, Việt Nam phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu... Chiến lược xét nghiệm vì thế cũng phải điều chỉnh. Các chuyên gia nhấn mạnh, phải thay đổi chiến lược xét nghiệm theo hướng tổ chức xét nghiệm nhanh tại các cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu, địa điểm công cộng tập trung đông người để đẩy nhanh quá trình sàng lọc, phát hiện ca bệnh, không để sót, lọt các ca nhiễm. Tại các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… đã triển khai việc xét nghiệm nhanh để quản lý người nhập cảnh tại các cảng hàng không quốc tế.
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho rằng, chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới phải sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên ở những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… Ưu điểm của phương pháp này là thời gian nhanh, kết quả chính xác, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam…, góp phần chống dịch hiệu quả.
Phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh
Hiện nay, tại Việt Nam đã có các công nghệ và loại sinh phẩm cho xét nghiệm tìm kháng thể và kháng nguyên. Cụ thể, xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có loại sinh phẩm sử dụng máy và loại không cần sử dụng máy. Nhược điểm của loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là chỉ có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với người nhiễm bị SARS-CoV-2 từ 7 ngày trở lên. Trong khi đó, xét nghiệm tìm kháng nguyên đang được thực hiện bằng phương pháp Realtime RT-PCR có thời gian thực hiện lâu, có yêu cầu cao về kỹ năng, quy trình thao tác.
Để đáp ứng yêu cầu chiến lược xét nghiệm mới, cần đẩy mạnh phát triển các loại kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có ưu điểm của cả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể và xét nghiệm tìm kháng nguyên theo phương pháp Realtime RT-PCR.
Việt Nam hiện có 3 đơn vị nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên và đang ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm. Đại diện các đơn vị khẳng định năng lực hoàn toàn có thể nghiên cứu, sản xuất được các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng tương đương với sản phẩm các nước phát triển. Những đơn vị này mong muốn có cơ chế đặt hàng nghiên cứu, sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các mẫu bệnh phẩm lâm sàng để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.
Bộ Y tế cho biết sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp thực hiện tập huấn các phương pháp xét nghiệm sử dụng mọi loại kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất hiện nay. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, trong tuần này Bộ sẽ tham vấn các doanh nghiệp và tuần sau sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền về việc triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên.
Tại cuộc họp, các chuyên gia đề xuất, trong khi chờ sản phẩm sản xuất trong nước, trước mắt Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng cao từ một số nước tiên tiến để sử dụng tại các sân bay, cảng hàng không.
Về các phương án sản xuất vắc-xin chống COVID-19, các chuyên gia thống nhất, trên tinh thần tự lực, tự cường, các đơn vị trong nước tăng cường nghiên cứu, tăng tính chủ động trong việc sản xuất vắc-xin trong phòng, chống dịch COVID-19.
Một bệnh nhân tử vong, bảy ca nặng
Tối 3/9, Bộ Y tế cho biết trong ngày không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, có 7 bệnh nhân tiên lượng nặng và nguy kịch, 1 ca tử vong.
Số trường hợp mắc COVID-19 tiên lượng nặng và nguy kịch này chủ yếu thuộc nhóm lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư hiện có 2 ca bệnh COVID-19 nặng. Trong đó bệnh nhân 1045 - trường hợp mắc mới nhất ở Hải Dương, chưa rõ nguồn lây, phải thở máy. Bác sĩ Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân 1045 (72 tuổi, ở Hải Dương) thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, mắc bệnh nền phì đại tiền liệt tuyến và thoát vị cột sống cổ. Ngày 1/9, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, ngay lập tức được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực, đặt ống thở máy. Hiện bệnh nhân đáp ứng tốt thở máy, tình trạng tạm thời cải thiện.
Bác sĩ điều trị cho biết, phổi của bệnh nhân 1045 bị tổn thương nặng. Ngoài ra bệnh nhân có tình trạng bội nhiễm các vi khuẩn khác nên được điều trị theo phác đồ dùng thuốc chống đông máu, các loại kháng sinh và duy trì thở máy để hỗ trợ hô hấp. Bệnh viện đang thực hiện các phương pháp xét nghiệm và cấy máu để tìm ra chính xác căn nguyên.
“Tình trạng phổi vẫn đang rất xấu nhưng các chỉ số đang tạm ổn định, đáp ứng thở máy tốt. Tình trạng nhiễm trùng cũng đang được kiểm soát. Trong tình trạng phổi của bệnh nhân xấu hơn, có diễn biến bất thường thì bệnh nhân có thể phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Các bác sĩ đang theo dõi sát tình hình của bệnh nhân 24/24h, dựa vào diễn biến trong những ngày tới để có phác đồ điều trị phù hợp nhất”, bác sĩ Phúc cho biết thêm.
Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho 2 ca COVID-19 nặng khác là bệnh nhân 793 và 867. Bệnh nhân 793 (nam, 58 tuổi, ở Bắc Giang) được đánh giá là ca COVID-19 nặng nhất miền Bắc, vừa được rút hệ thống ECMO vào trưa 3/9. Tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân đã cải thiện sau khi tìm được căn nguyên. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn đang phải thở máy xâm nhập và được theo dõi rất sát. Bệnh nhân 867 (nam, 63 tuổi, ở Hải Dương) đã hồi phục sức khỏe, có thể tự sinh hoạt. Hiện bệnh nhân chờ có đủ 3 lần xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để được công bố khỏi bệnh.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày có 9 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 4 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang; 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Như vậy, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 755/1.046 ca mắc.
Ngày 3/9 có thêm 1 trường hợp mắc COVID-19 tử vong là bệnh nhân số 761. Đây là ca mắc COVID-19 tử vong thứ 35 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam. Bệnh nhân 761, nữ giới, 83 tuổi, tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa tạm cầm. Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực theo các phác đồ qua hội chẩn quốc gia, nhưng bệnh diễn biến nặng. Sáng ngày 3/9, bệnh nhân tử vong tại Trung tâm Y tế Hòa Vang được chẩn đoán: viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển do COVID-19, biến chứng nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối chạy thận nhân tạo chu kỳ, tăng huyết áp, xuất huyết tiêu hóa.