Nhớ nhớ quên quên sau mắc COVID có nguy hiểm, có phải tổn thương não? Chuyên gia lý giải

ngày 13/04/2022

Sau mắc Covid-19 không ít người cảm thấy trí nhớ giảm sút, học không tập trung như trước. Điều này khiến cho nhiều người lo lắng virus gây tổn thương não.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô-xy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, triệu chứng không tập trung, nhớ nhớ quên quên sau mắc Covid-19 là tình trạng sương mù não sau nhiễm Covid-19. Trước đây, bệnh nhân đến khám tại trung tâm khi có triệu chứng "sương mù não" chiếm khoảng 20-30%, chủ yếu là người lớn tuổi trên 50.

Tuy nhiên, hiện nay, bác sĩ gặp hiện tượng này ở rất nhiều bạn trẻ. Trung bình một tuần bác sĩ Hoàng điều trị cho 5-7 bệnh nhân mắc triệu chứng sương mù não.

Các trương hợp này đều là người trẻ, đang ngồi trên ghế nhà trường. Sau mắc Covid những bạn trẻ này bị ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến thức.

Nhớ nhớ quên quên sau mắc Covid-19, ảnh minh họa.

Sau nhiễm Covid-19, bệnh nhân tới khám phản ánh cảm giác khó tiếp thu các bài học trên lớp, việc thi và làm bài kiểm tra đơn giản lúc trước vẫn tốt nhưng giờ có lúc không thể làm được, kể cả những bài rất dễ. Tốc độ làm bài cũng chậm hơn nhiều.

Một số bệnh nhân có các triệu chứng kèm theo như: ngủ kém, lo lắng, căng thẳng, cảm giác đầu nặng trĩu.

"Sương mù nãolà thuật ngữ chỉ các triệu chứng liên quan đến tình trạng thiếu máu não và rối loạn hệ thần kinh thực vật, ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ, người mắc có thể cảm thấy thiếu minh mẫn, khó tập trung, mất nhiều thời gian hơn khi nhớ tên một ai đó hoặc thường bất chợt quên việc mình định làm...

Nguyên nhân sương mù não có thể liên quan đến việc các tổ chức, tế bào thần kinh bị virus xâm nhập và tình trạng viêm lan tỏa (bao gồm cả hệ thống thần kinh) do hậu quả của Covid-19", bác sĩ Hoàng nói.

Sương mù não cũng được cho là do bệnh nhân bị lo lắng, căng thẳng dẫn đến ăn ngủ kém, suy nghĩ nhiều, ảnh hưởng đến tâm trạng, hành vi. Ngoài ra, khi nhiễm bệnh, các mạch máu, nhất là các mạch máu nhỏ, bị tổn thương hậu Covid-19, khiến khả năng lưu thông máu lên não kém đi, từ đó dẫn đến tình trạng rối loạn thần kinh thực vật, thiểu năng tuần hoàn não, làm nặng nề hơn tình trạng "sương mù não".

Ở những bệnh nhân nặng, tình trạng thiếu hụt ô-xy sẽ gây ảnh hưởng đến các mô não, để lại di chứng "sương mù não". Bên cạnh đó, nguyên nhân khác có thể do tác dụng phụ của các loại thuốc an thần, thuốc trong điều trị hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân nặng.

Theo các chuyên gia, sau nhiễm Covid-19, các phản ứng miễn dịch vẫn được kích hoạt dai dẳng, có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào. Các chất trung gian hóa học được giải phóng do tình trạng viêm có thể trở thành chất độc, đặc biệt đối với não, gây nên hiện tượng "sương mù não".

Bên cạnh đó, cũng có không ít giả thuyết về tình trạng tự miễn, khi các kháng thể tấn công nhầm vào tế bào thần kinh. Các triệu chứng như tê buồn, ngứa ran chân tay có thể xảy ra khi dây thần kinh bị tổn thương, gửi tín hiệu sai đến não bộ.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết, hiện chưa có phác đồ điều trị sương mù não thống nhất, hoàn toàn điều trị trên kinh nghiệm, phán đoán và theo kiểu bao vây. Các bác sĩ chủ yếu lựa chọn phương pháp giúp bệnh nhân tăng lượng máu lên não.

Đối với những người gặp tình trạng "sương mù não" có triệu chứng nhẹ thì có thể tự khắc phục bằng cách vận động nhiều giúp cơ thể hoạt động, giảm căng thẳng như đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng.

Bác sĩ Hoàng khuyên, người bệnh nên tăng cường hoạt động trí não nhiều hơn như: đọc sách, chơi những trò chơi trí tuệ (cờ, giải ô chữ…), nên hạn chế xem tivi mà nên nghe nhạc hay radio. Bổ sung các loại thuốc tăng cường tuần hoàn não, thuốc hoạt huyết để lưu thông hoạt huyết tốt hơn.

Về dinh dưỡng, hằng ngày cần bổ sung các thực phẩm như rau, trái cây… hạn chế dùng thịt đỏ và các loại đồ uống có chất kích thích như bia rượu, cà phê.

Nguồn: https://toquoc.vn/nho-nho-quen-quen-sau-mac-covid-co-nguy-hiem-co-phai-ton-thuong-nao-chuyen-gia-ly-giai-82022134103446150.htm