Bảo quản thực phẩm đúng cách trong mùa dịch

ngày 03/12/2021

Tủ lạnh làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn, duy trì sự tươi ngon của thực phẩm. Làm thế nào để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách, an toàn, bảo đảm dinh dưỡng?

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến thói quen đi chợ của người dân thay đổi. Thay vì hằng ngày mua đồ tươi sống, giờ đây nhiều người chấp nhận mua thực phẩm tích trữ dùng cho nhiều ngày, thậm chí là cả tuần để hạn chế tiếp xúc. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nếu bảo quản không đúng cách, thực phẩm dù để lạnh vẫn có thể phát sinh nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thay đổi thói quen do dịch Covid-19

Theo PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn, vệ sinh thực phẩm Quốc gia, cho rằng protein có trong thịt, cá, trứng, sữa... nếu không được bảo quản đúng cách, khi bị vi sinh vật tấn công sẽ sản sinh ra những độc chất, như: nitrit, amoniac. Khi con người hấp thụ quá nhiều nitrit tại một thời điểm có thể gây ngộ độc cấp tính. Còn với thực phẩm khô, như: đỗ, lạc, hạt điều, ngô..., nếu không được bảo quản đúng cách dễ bị nấm mốc, sâu mọt, vi khuẩn xâm nhập. Nếu sử dụng những thực phẩm bị mốc này cũng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài ra, khi để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh, một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo hòa tan... Ngoài ra, nếu tủ lạnh không được vệ sinh thường xuyên thì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Những thức ăn có hạn sử dụng ngắn nên được xếp ở phía cửa tủ, tránh bị quá hạn.

Sắp xếp thực phẩm có khe hở để khí lạnh lưu thông, việc bảo quản sẽ hiệu quả hơn

Cảnh báo nguy cơ nhiễm chéo do tiếp xúc giữa các thực phẩm trong tủ lạnh, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý, tủ lạnh cũng chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định. Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông, khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thức ăn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Để bảo đảm an toàn, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, ông Phong khuyến cáo, người dân chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh một thời gian nhất định.

Bảo quản thực phẩm thế nào cho ngon?

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyên về bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh:

Đối với rau củ

Với các loại rau củ, không nên rửa sạch nếu chưa có nhu cầu sử dụng ngay. Thay vào đó hãy loại bỏ những phần bị úng, héo và tuyệt đối không để rau củ bị dính nước.

Sau đó, bạn chia rau củ với lượng vừa phải, rồi cho vào túi zip hoặc túi ni-lông (có lỗ thoát khí) và đặt vào ngăn rau quả của tủ lạnh. Vì ngăn này được thiết kế riêng biệt giúp duy trì nhiệt độ và độ ẩm tối ưu, làm cho rau củ trở nên tươi ngon hơn. Ngoài ra, có thể đặt tại bất kỳ vị trí nào bên trong ngăn mát tủ lạnh có nhiệt độ từ 3 - 5 độ C với thời gian sử dụng từ 2 - 7 ngày.

Đối với trái cây

Khi bảo quản trái cây, bạn nên phân loại 2 nhóm: nhóm trái cây nguyên trái (còn vỏ) và nhóm trái cây đã cắt thái (đã gọt vỏ):

Với nhóm trái cây nguyên trái: Bạn có thể loại bỏ những phần cuống bị hư hoặc những quả bị úng, héo (như nho, nhãn, vải…). Sau đó, có thể dùng khăn khô sạch để lau chùi bề mặt của quả và cho vào túi zip có lỗ thoát khí, rồi đặt vào ngăn mát tủ lạnh từ 3 - 5 độ C.

Với nhóm trái cây đã cắt thái: Bạn nên bảo quản trong hộp đựng thực phẩm và đặt vào ngăn mát tủ lạnh cũng với nhiệt độ tối ưu từ 3 - 5 độ C, sử dụng càng sớm càng tốt với thời gian bảo quản từ 1 - 2 ngày.

Đối với thức ăn đã nấu chín

Với thực phẩm đã được nấu chín, bạn cần để nguội (khoảng 2 tiếng) trước khi cho vào hộp đựng thực phẩm, đậy kín và đặt ở nhiệt độ từ 2 - 4 độ C bên trong ngăn mát tủ lạnh. Vì nếu đặt thức ăn còn đang nóng vào trong tủ lạnh sẽ dễ làm tăng nhiệt độ và gây ảnh hưởng đến các thực phẩm khác cũng như khiến cho máy nén hoạt động nhiều hơn, ảnh hưởng đến tuổi thọ của tủ lạnh.

Thời gian sử dụng thức ăn đã được nấu chín nên diễn ra trong khoảng 3 ngày và bạn có thể chia nhỏ lượng thức ăn trước khi bảo quản giúp cho việc sử dụng được tiện lợi hơn.

Đóng gói thực phẩm an toàn

Đây cũng là một trong những cách giúp duy trì độ tươi ngon của thực phẩm. Bảo đảm cho đôi bàn tay được sạch sẽ và chỉ sử dụng các loại túi sạch (còn mới) trước khi cho thực phẩm vào và bịt kín.

Đặt thực phẩm vào tủ lạnh ở vị trí thích hợp như ngăn mát hoặc ngăn đá. Một điều đáng lưu ý thêm, bạn nên bảo quản thực phẩm tươi sống (như thịt, cá, hải sản) trong ngăn đông mềm của tủ lạnh nếu có dự định sử dụng từ 1 - 3 ngày. Vì đây là phần ngăn được thiết kế riêng với nhiệt độ ổn định và tách biệt với các loại thực phẩm khác bên trong ngăn mát tủ lạnh, nhất là việc tránh lẫn mùi thực phẩm.

Ngoài ra, cũng có thể đặt thực phẩm tươi sống vào ngăn đá tủ lạnh với thời gian bảo quản lâu hơn đến vài tháng.

Đặt nhiệt độ phù hợp để bảo quản từng loại thực phẩm

Mỗi nhóm thực phẩm đều được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, đối với rau củ thường được bảo quản bên trong ngăn mát tủ lạnh từ 1 - 4 độ C.

Trong khi với thực phẩm tươi sống như hải sản, thịt và cá có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 1-3 độ C (nên sử dụng trong ngày, càng sớm càng tốt) hoặc ở ngăn đông -18 độ C (với thời gian sử dụng lâu hơn, từ 1 - 3 ngày).

Đừng xếp thực phẩm chồng chất khiến tủ lạnh kín mít, không còn chỗ "thở". Hãy để xa vị trí quạt thông gió, sắp xếp thực phẩm có khe hở để khí lạnh lưu thông, việc bảo quản sẽ hiệu quả hơn.

Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên

Môi trường ẩm bên trong tủ lạnh có thể xuất hiện nấm mốc, vi khuẩn từ thực phẩm nếu bạn không vệ sinh tủ lạnh theo định kỳ khoảng 3-6 tháng/lần.

Việc vệ sinh tủ lạnh sẽ giúp cho các động cơ bên trong tủ lạnh được nghỉ ngơi và hỗ trợ loại bỏ những cặn bẩn từ thực phẩm bám trên khay đựng, có thể len lỏi vào những khe của tủ lạnh. Ngoài ra, còn giúp loại bỏ mùi hôi và tạo bầu không khí tươi xanh bên trong không gian tủ.

Nguồn: http://nld.com.vn/suc-khoe/bao-quan-thuc-pham-dung-cach-trong-mua-dich-2021120217380546.htm