Trong khi thực phẩm không được chứng minh là ngăn ngừa ung thư, chế độ ăn uống đóng một vai trò lớn trong việc ngăn ngừa ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, thừa cân hoặc béo phì là nguy cơ của nhiều bệnh ung thư như: ung thư vú, ung thư ruột kết và trực tràng, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư tuyến giáp,… Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các loại bệnh này, theo Cleveland Clinic.
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn Địa Trung Hải tập trung vào việc ăn các thực phẩm có nguồn gốc thực vật bao gồm: hoa quả, rau, các loại ngũ cốc, chất béo lành mạnh như: dầu ô liu nguyên chất, các loại hạt và các nguồn protein nạc như thịt gia cầm, cá và các loại đậu. Bên cạnh đó,hạn chế ăn thịt đỏ, sữa giàu chất béo, đường và chất béo bão hòa.
Chế độ ăn Địa Trung Hải có liên quan đến việc ngăn ngừa ung thư và các tác động tích cực khác đến sức khỏe lâu dài. Và chế độ ăn giàu chất xơ như chế độ ăn Địa Trung Hải có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Hạn chế đường bổ sung
Khi nói đến ung thư, đường được coi là kẻ thù số một. Trong khi đường cung cấp năng lượng cho các tế bào ung thư, nó cũng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đường giúp các cơ quan hoạt động bình thường. Vì vậy chúng ta không thể loại bỏ đường hoàn toàn, tuy nhiên cần phải tiêu thụ lượng vừa phải.
Việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến béo phì và bệnh tim, làm tăng nguy cơ ung thư.
Ăn nhiều trái cây và rau mỗi ngày
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, sắc tố tạo nên màu sắc của trái cây và rau quả có các thành phần có thể làm giảm nguy cơ ung thư.
Cắt giảm rượu bia
Sử dụng rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư thực quản, cổ họng và ung thư vú. Người uống nhiều bia rượu cũng tăng nguy cơ ung thư trực tràng. Và những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu thì tỷ lệ mắc ung thư gan càng tăng.
Uống bổ sung vitamin D
Lượng vitamin D thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú, ruột kết và tuyến tụy. Chính vì vậy cần uống bổ sung vitamin D mỗi ngày, theo Cleveland Clinic. Nguồn: Báo PLO