Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vắc xin phòng chống virus SARS-CoV-2 trong nước. Đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp với các công ty, đối tác sản xuất và cung cấp vắc xin có uy tín trên thế giới nhằm có vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 cung cấp cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Về tình hình sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 trong nước, Bộ Y tế cho biết, hiện Công ty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 của Bộ Y tế (Vabiotech) đang phối hợp với Trường Đại học Briston của Anh nghiên cứu sản xuất vắc xin theo công nghệ vector virus. Đây là công nghệ tiên tiến được nhiều hãng sản xuất vắc xin lớn trên thế giới sử dụng trong phát triển vắc xin phòng COVID-19.
Các nhà khoa học của Vabiotech đang trong giai đoạn tối ưu hóa quy trình sản xuất. Đối với vaccine cần phải xây dựng được tiêu chuẩn chất lượng mà mình mong muốn; phải tối ưu hóa ở quy mô sản xuất lớn để có thể sản xuất với số lượng nhiều nhất, trong thời gian ngắn.
“Chúng tôi đang hướng tới mục tiêu có thể sản xuất được số lượng lớn trong thời gian ngắn. Do vậy mọi điều kiện, yêu cầu phải được đánh giá kỹ, sao cho hoàn thiện nhất” - ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech cho biết.
Viện Vắc xin và sinh phẩm Y tế Nha Trang của Bộ Y tế (IVAC) cũng đang phối hợp với tổ chức PATH của Mỹ để sản xuất vắc xin này trên cơ sở quy trình sản xuất vắc xin cúm mùa và cúm đại dịch theo chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác của Thái Lan, Ấn Độ, Brazil và Serbia. IVAC là một trong 14 nhà sản xuất vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn để hợp tác sản xuất vắc xin cúm đại dịch.
Được biết, hiện quy trình sản xuất tương tự vaccine cúm A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm. IVAC đã chuẩn bị sản xuất những lô thử nghiệm đầu tiên. Dự kiến tháng 10-12, đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên người và 2 giai đoạn tiếp theo vào đầu năm 2021, sau đó nâng cấp quy mô 30 triệu liều/năm. Tháng 4/2021, đơn vị sẽ nộp hồ sơ cấp phép.
Bên cạnh đó, các đơn vị khác như: Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế POLYVAC và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN cũng đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin ngừa COVID-19; bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan, các đơn vị cũng cố gắng đến cuối năm 2020 sẽ đưa vào thử nghiệm lâm sàng.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng đang rất nỗ lực và tích cực phối hợp với các nhà cung cấp vắc xin trên thế giới để thực hiện mua và phối hợp sản xuất vắc xin, trong đó có Nga, Anh, Mỹ và các nước khác. Mới đây Bộ Y tế đã đăng ký mua vắc xin của Nga và Anh.
Tuy nhiên, việc cung cấp vắc xin phụ thuộc vào tiến độ thực hiện các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất. Bên cạnh đó, quy trình thử nghiệm vắc xin ở Việt Nam trước khi đưa vào sử dụng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ và đòi hỏi thời gian, nên đây là một trong những thách thức lớn trong việc sớm đưa vắc xin tiếp cận với người dân. Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ quyết tâm, nỗ lực hết mình để có thể có được vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.
Theo dự tính của các chuyên gia, năm 2021, thế giới có thể có 2 tỉ liều vaccine ngừa Covid-19, nhưng chưa biết khi nào chúng ta tiếp cận được. Do đó, để đảm bảo tính chủ động, Việt Nam hiện là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vaccine theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vaccine với các nước.
GS.TS Nguyễn Thu Vân - Chủ nhiệm Chương trình Phát triển vaccine phòng bệnh cho người, Bộ Y tế cho biết, theo dự tính, cuối năm 2021, vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam hoàn thành.