Viêm đa cơ là gì, có thuốc nào chữa trị?

ngày 26/01/2022

Viêm đa cơ thuộc nhóm bệnh tự miễn, khi có kèm theo tổn thương da gọi là viêm đa cơ, viêm da cơ. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

1. Viêm đa cơ, viêm da cơ là gì?

Viêm đa cơ, viêm da cơ là bệnh hệ thống, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân, có cơ chế tự miễn dịch.

Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam, với tỷ lệ khoảng 60-70% số bệnh nhân là nữ; có thể gặp ở mọi lứa tuối, nhưng lứa tuổi trung niên từ 40 đến 60 thường gặp nhất. Trẻ em hiếm gặp, nhưng nếu có thì ở độ tuổi từ 10 đến 15 tuổi.

Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm, thoái hóa của các sợi cơ vân, gây yếu cơ. Bệnh nhân có thể sốt 37 độ C, một số trường hợp có sốt cao. Người mệt mỏi, sụt cân, đau cơ, hạn chế vận động, đặc biệt là yếu các cơ ở gốc chi, đối xứng hai bên, gây đau cơ tự nhiên hay khi bóp cơ, teo cơ nếu ở giai đoạn muộn hoặc khi bệnh tiến triển, dẫn đến giảm hoặc mất chức năng vận động.

Viêm đa cơ đặc trưng bởi tình trạng viêm, thoái hóa của các sợi cơ vân, gây yếu cơ.

Đối với viêm da cơ còn có biểu hiện ban phù tím quanh mi, sẩn Gottron ở các vùng sát xương. Ngoài ra còn có một số biểu hiện khác như rụng tóc, biến đổi hình thái móng hoặc vôi hóa dưới da…

Đến nay người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra bệnh có liên quan đến kháng thể tự miễn và các yếu tố di truyền.

Một số yếu tố khác như môi trường, nhiễm vi khuẩn, virus, một số loại thuốc… cũng làm gia tăng nguy cơ phát bệnh.

2. Điều trị bệnh viêm đa cơ như thế nào?

Mục tiêu điều trị bệnh nhằm ổn định, hạn chế bệnh tiến triển, tránh biến chứng và phục hồi chức năng cơ. Do vậy, nguyên tắc điều trị là dùng thuốc kết hợp với phục hồi chức năng.

Trong điều trị bệnh viêm đa cơ, viêm da cơ cần phải lưu ý đến vấn đề tác dụng phụ của thuốc và điều trị tránh biến chứng do thuốc gây ra.

2.1 Corticoid:

Đây là thuốc chính trong điều trị viêm đa cơ. Thường kết hợp với những thuốc điều trị cơ bản (DMARD) như methotrexat hoặc azathioprin trong các thể thông thường; kết hợp với thuốc cyclophosphamid trong các thể kháng điều trị hoặc có tổn thương phổi kẽ hoặc kết hợp truyền tĩnh mạch immunoglobulin .

- Corticoid toàn thân đường uống, thường dùng là prednisolone liều cao (hoặc thuốc corticoid khác liều tương đương) từ 2-4 tuần, có thể kéo dài hơn tùy tình trạng của bệnh nhân. Sau đó giảm liều dần mỗi 2- 4 tuần khi các triệu chứng đau cơ, yếu cơ thuyên giảm, xét nghiệm nồng độ enzym CK trong huyết thanh giảm trở về mức bình thường. Sau đó giảm liều dần đến liều điều trị duy trì.

Viêm đa cơ khi có kèm theo tổn thương da gọi là viêm đa cơ, viêm da cơ.

- Corticoid truyền tĩnh mạch liều cao được chỉ định trong trường hợp bệnh nặng, tiến triển nhanh. Có thể chỉ định truyền prednisolone tĩnh mạch liều cao trong 3-5 ngày liền sau đó giảm liều dần tùy đáp ứng.

Khi tình trạng lâm sàng có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, men cơ trở về bình thường thì chuyển sang liều duy trì prednisolone mỗi ngày (liều thấp nhất mà vẫn kiểm soát được bệnh).

Khi dùng corticoid kéo dài có thể gây các tác dụng phụ như viêm dạ dày, hội chứng Cushing, loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, đục thủy tinh thể... Do đó cần lưu ý bổ sung canxi, vitamin D, kali đồng thời đề phòng các biến chứng tiêu hóa do thuốc.

Ngoài ra, bệnh cơ do thuốc corticoid cũng là một biến chứng cần phân biệt với bệnh cơ do viêm để tránh dùng nhầm thuốc. Để phân biệt triệu chứng này, nếu triệu chứng cơ nặng lên nhưng men cơ không tăng; hoặc triệu chứng cơ không cải thiện; hoặc cơ đau tăng lên khi tăng liều corticoid là những dấu hiệu nhận biết tác dụng phụ của thuốc.

Nếu dùng liều cao corticoid sau 4 tuần điều trị mà triệu chứng không cải thiện hoặc có triệu chứng xấu đi như khó thở, suy hô hấp hoặc có tình trạng phụ thuộc corticoid (triệu chứng bệnh nặng lên khi giảm liều prednisolone) thì cần phối hợp corticoid với các thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate, azathioprin hoặc cyclophosphamid.

2.2. Methotrexate:

Được chỉ định với các thể viêm đa cơ thông thường, uống mỗi tuần một lần. Khởi đầu liều thấp, sau đó tăng dần liều, tùy đáp ứng ở mỗi bệnh nhân. Thời gian điều trị trong 4-6 tháng. Tuy thuốc ít tác dụng không mong muốn nhưng hàng tháng cần theo dõi tế bào máu ngoại vi và enzym gan khi dùng thuốc kéo dài, do thuốc có tác dụng phụ gây suy tế bào gan, suy tủy xương, viêm phổi.

Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng hoặc có chống chỉ định với methotrexate như có viêm phổi kẽ hay xơ phổi thì dùng thuốc khác, như cyclophosphomid hoặc azathioprin.

2.3. Azathioprin:

Chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị với methotrexat.

Thuốc được dùng phối hợp với corticoid nhằm làm giảm liều, qua đó giảm các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc này. Thuốc có tác dụng đối kháng chuyển hóa nhân purin, ức chế tổng hợp DNA, RNA và protein từ đó giảm tăng sinh các tế bào miễn dịch, giảm các hoạt động miễn dịch. Thời gian điều trị azathioprin có thể kéo dài tới 6 tháng. Giảm liều khi các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm.

2.4. Cyclophosphamide:

Thuốc được chỉ định trong các trường hợp kháng điều trị với methotrexat hoặc azathioprin hoặc trong trường hợp có tổn thương phổi kẽ.

Thuốc dùng đường truyền tĩnh mạch, mỗi tháng 1 lần, trong 6 tháng liên tục. Sau đó có thể duy trì mỗi 3 tháng 1 lần. Thuốc cũng có thể dùng theo đường uống mỗi ngày.

Tác dụng không mong muốn gây viêm bàng quang chảy máu, suy tế bào gan, suy tủy xương, rụng tóc, cảm giác nóng bừng ở đầu trong thời gian truyền. Thuốc dùng đường uống kéo dài thì nguy cơ tác dụng phụ gây ung thư bàng quang tăng.

2.5. Globulin:

Với bệnh nhân không đáp ứng với điều trị liều cao corticoid hoặc có tổn thương gây liệt cơ hô hấp, đe dọa tính mạng thì bác sĩ có thể xem xét dùng globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch chậm. Liều dùng và thời gian dùng tùy theo bệnh nhân.Thuốc chỉ dùng cho người lớn.

Ngoài ra có thể dùng các thuốc ức chế miễn dịch khác như mycophenolate mofetil hoặc cyclosporine, chlorambucine. Một số thuốc ức chế yếu tố hoại tử u (TNF) như etanercept tiêm dưới da, infliximab truyền tĩnh mạch… cũng là những thuốc có thể cân nhắc chọn lựa trong điều trị bệnh.

Trong viêm da cơ, ngoài điều trị, nếu có tổn thương da vừa hoặc nặng có thể thêm chloroquine hoặc corticoid bôi ngoài da.

Bệnh nhân viêm da cơ, viêm đa cơ khi điều trị liều cao corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch khác cần được nằm viện theo dõi sát sao các biến chứng có thể xảy ra, đặc biệt các biến chứng về tim mạch, hô hấp, xét nghiệm công thức máu cũng như chức năng gan thận.

TS.Bùi Hải Bình

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//viem-da-co-la-gi-co-thuoc-nao-chua-tri-169220124095559402.htm