Vi khuẩn kháng kháng sinh, vấn nạn do đâu?

ngày 20/09/2022

Trên thế giới mỗi năm có gần 1 triệu trẻ em tử vong do vi khuẩn kháng kháng sinh. 1/3 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh. Như vậy vấn nạn kháng kháng sinh đang là vấn đề khẩn cấp.

Kháng kháng sinh là gì?

Thỉnh thoảng chúng ta đọc được thông tin có bệnh nhân nhiễm một chủng khuẩn đa kháng thuốc. Đây là một điều rất đau lòng, bởi khi không may bị nhiễm chủng vi khuẩn này, tính mạng của bệnh nhân là ngàn cân treo sợi tóc.

Kháng kháng sinh là tình trạng khi vi khuẩn biến đổi để chống lại tác dụng của kháng sinh. Vi khuẩn có thể kháng lại một loại kháng sinh, thậm chí là nhiều loại, nguy hiểm hơn là tất cả các loại kháng sinh không còn khả năng tiêu diệt được nó. Tình trạng này nghĩa là bệnh nhân nếu nhiễm vi khuẩn siêu kháng thuốc sẽ không có cơ hội được điều trị do không có kháng sinh nào còn phù hợp.

Mặc dù kháng kháng sinh bản chất là một hiện tượng tiến hóa tự nhiên của vi khuẩn. Nghĩa là khi có một loại kháng sinh ra đời, theo thời gian thì vi khuẩn sẽ tìm ra cách biến đổi để thích ứng với loại kháng sinh đó. Tuy nhiên việc sử dụng sai kháng sinh ở người và động vật sẽ khiến tình trạng này xảy ra nhanh hơn rất nhiều.

Việt Nam là nước trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong cộng đồng là nguyên nhân căn bản đưa nước ta trở thành nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới.

Kháng kháng sinh không chỉ khiến các bác sĩ cực nhọc trong công tác điều trị, mà còn giảm cơ hội được cứu chữa bệnh của mọi người đặc biệt là đối với trẻ em.

Vi khuẩn kháng kháng sinh nhanh do đâu?

Việt Nam là nước có cảnh báo đặc biệt về vấn nạn kháng kháng sinh của vi khuẩn. Tình trạng này đang dần trở thành một trong những hiểm họa đặc biệt nghiêm trọng với sức khỏe trẻ nhỏ tại nước ta. Vi khuẩn kháng kháng sinh chủ yếu là do thói quen lạm dụng và sử dụng kháng sinh bừa bãi, đến từ nhiều phía:

Nguyên nhân từ thầy thuốc: Không phải tất cả các bác sĩ đều lạm dụng kháng sinh, nhưng thực tế lâm sàng gặp không ít bác sĩ tại các phòng khám đã kê đơn kháng sinh một cách khá bừa bãi. Có trường hợp trẻ với chẩn đoán "viêm long hô hấp trên", nhưng bác sĩ kê tới 2 loại kháng sinh.

Đơn thuốc được chia liều sẵn.

Có trường hợp bác sĩ còn bóc bao bì thuốc, chỉ lấy viên thuốc chia liều sẵn, rồi bỏ chung vào bịch nilon và hướng dẫn dùng mỗi lần 1 bịch. Điều này là rất nguy hiểm, bởi nếu trẻ không may bị dị ứng thuốc hoặc gặp bất thường gì sẽ rất khó khăn cho người xử lý. Thậm chí phải đưa trẻ đến đúng bác sĩ đó may ra mới biết trẻ đã được dùng thuốc nào. Nếu trẻ được đưa đến với bác sĩ khác, bác sĩ sau này cũng không biết bệnh nhân đã dùng thuốc gì, nên nguy cơ kê lại kháng sinh (nếu phải dùng kháng sinh) đã dùng mà không hiệu quả là khá cao. Điều này khiến bệnh của trẻ không khỏi mà còn khiến vi khuẩn có cơ hội kháng thuốc cao hơn.

Cũng có một số bác sĩ có quan điểm rằng trẻ em có sức đề kháng kém, vệ sinh kém nên dễ bội nhiễm. Cùng với sự sốt ruột của phụ huynh nếu con không được cho uống một loại kháng sinh thì sẽ còn lo lắng con không khỏi bệnh, do đó một số bác sĩ đã vì nể mà kê kháng sinh để giải quyết cả 2 vấn đề trên. Việc kê đơn thuốc như vậy dần dần hình thành nên thói quen, không kê kháng sinh sẽ cảm thấy thiếu.

Ngừng lạm dụng kháng sinh để giảm nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc.

Nguyên nhân từ phụ huynh:Không ít phụ huynh, nếu con của họ không được kê đơn có kháng sinh, sẽ cảm thấy không yên tâm và có thể đưa con đi hết phòng khám này đến phòng khám khác, tới khi có được kháng sinh mới thôi. Thậm chí nếu bác sĩ không kê đơn kháng sinh, họ có thể cho rằng bác sĩ không đủ giỏi, nên con bị bệnh lâu khỏi.

Nhưng nguyên nhân lạm dụng thuốc của phụ huynh phần nhiều đến từ việc tự mua thuốc về cho con uống. Nhiều phụ huynh thấy con ho, sốt, hoặc viêm họng liền tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh về dùng cho con. Việc lạm dụng kháng sinh này đang làm hại chính những đứa trẻ. Ngoài nguy cơ về những trường hợp bệnh nhi nhiễm siêu vi khuẩn đa kháng thuốc, mà còn khiến hệ vi khuẩn đường ruột của bé mất cân bằng, nhiều lần như vậy khiến bộ máy tiêu hóa của trẻ suy yếu, ăn kém và trẻ sẽ trở nên còi cọc, yếu ớt…

Nhân viên nhà thuốc: Góp phần không nhỏ trong công cuộc đẩy nhanh tốc độ kháng thuốc của vi khuẩn phải kể đến vai trò của người bán thuốc. Chỉ cần ghé hiệu thuốc, đa số người dân có thể mua bất kỳ loại kháng sinh nào, hiếm khi họ được tư vấn một cách kỹ càng hoặc đòi hỏi phải có đơn thuốc mới bán.

Người đi mua thuốc chỉ cần kể bệnh: Ho, sổ mũi, sốt, tiêu chảy... là đã có thể mua được một số thuốc, trong đó có kháng sinh.

Kháng sinh, nếu chỉ định đúng trong trường hợp có nhiễm vi khuẩn, thì cần dùng đúng liều đủ ngày. Và mỗi loại vi khuẩn cần dùng kháng sinh khác nhau để tiêu diệt hoặc kìm hãm chúng phát triển. Mỗi lứa tuổi lại phải dùng hàm lượng khác nhau; mỗi loại bệnh cần thời gian sử dụng kháng sinh khác nhau.

Cách sử dụng kháng sinh an toàn cho trẻ

- Phụ huynh cần tạo thói quen hỏi bác sĩ về đơn thuốc của trẻ. Lý do bác sĩ kê đơn dùng kháng sinh (nếu trong đơn thuốc có kháng sinh).

- Kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, không có tác dụng với virus. Đa phần bệnh lý tai mũi họng là do nhiễm virus. Do đó nếu trẻ không được bác sĩ kê kháng sinh, phụ huynh không tự ý yêu cầu kê thêm kháng sinh và tuyệt đối không tự ý đi mua kháng sinh về cho con dùng.

- Nếu được kê đơn có kháng sinh, cần dùng hết đơn thuốc, dù thấy trẻ đã đỡ bệnh. Việc tự ý ngừng thuốc sớm khiến vi khuẩn chưa được tiêu diệt sẽ bùng phát làm cho bệnh tái phát lâu khỏi. Và đây là nguyên nhân gây ra nguy cơ vi khuẩn kháng kháng sinh rất cao.

- Không giữ đơn thuốc lại để tự dùng cho lần ốm sau.

- Không dùng đơn kháng sinh của trẻ khác cho con mình và cũng không chia sẻ đơn thuốc của con mình cho trẻ khác mặc dù có các triệu chứng tương tự.

- Lưu lại sổ khám bệnh, ghi lại những lần sử dụng kháng sinh: Tên thuốc, liều dùng, thời gian dùng và bất kỳ tác dụng phụ nào xuất hiện ở trẻ. Thông báo cho bác sĩ các thông tin này trong lần khám bệnh sau để hỗ trợ bác sĩ lựa chọn loại kháng sinh phù hợp nhất.

Nguồn: suckhoedoisong.vn