Tình hình dịch COVID-19 đến chiều 25-2

ngày 25/02/2020

Tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận tính đến 1 giờ 30 chiều 20-2, có 2.701 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 80.154 ca nhiễm. Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca lây nhiễm tăng 58 người.

Đến nay đã có 38 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm 12 ca ở Iran, chín ca ở Hàn Quốc, năm ca ở Nhật (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, bảy ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, một ca ở Pháp và một ca ở Philippines.

Nhân viên y tế chuẩn bị dung dịch khử trùng để phun trên đường phố Hong Kong (Ảnh chụp ngày 22-2). Ảnh: CNN

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 27.703 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 259 người so với sáng cùng ngày.

Liên minh châu Âu góp 124 triệu USD cho WHO chống dịch COVID-19

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 24-2 thông báo đã đóng góp 124 triệu USD cho kế hoạch phản ứng khẩn cấp với dịch bệnh COVID-19 của WHO. Đây là khoản đóng góp lớn nhất mà WHO nhận được kể từ khi lên tiếng kêu gọi các nước hỗ trợ hơn 600 triệu USD cho cuộc chiến chống COVID-19 tại các nước nghèo.

"Gói viện trợ của chúng tôi sẽ hỗ trợ WHO và đảm bảo rằng sẽ không có nước nghèo nào bị bỏ lại. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn dịch bệnh bùng phát cấp độ toàn cầu" - ông Janez Lenarcic - một quan chức thuộc EC nhấn mạnh.

Ông Trump khẳng định Mỹ đang kiểm soát tốt COVID-19

Hôm 25-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có động thái trấn an dư luận khi khẳng định trên Twitter cá nhân rằng dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt ở Mỹ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tính đến ngày 24-2 đã ghi nhận 53 trường hợp nhiễm bệnh ở nước này, trong đó có 14 trường hợp lây nhiễm trên đất Mỹ và 39 trường hợp là người được sơ tán từ nước ngoài.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã phản ứng tiêu cực trước thông tin dịch bệnh lan rộng và bùng phát mạnh ở các nước trong phiên giao dịch ngày 24-2.

Các chỉ số chính như Dow Jones, Nasdaq Composite và S&P 500 đều sụt điểm trong phiên giao dịch đầu ngày. Riêng chỉ số Dow Jones mất tới 1.031 điểm, xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm qua, theo hãng tin AP.

WHO: Thế giới mang ơn Trung Quốc đã phong tỏa Vũ Hán kiềm dịch

Trong họp báo ngày 24-2, ông Bruce Aylward, người đứng đầu nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới Trung Quốc, nhấn mạnh quyết định phong tỏa Vũ Hán của Trung Quốc đã chặn đứng khả năng COVID-19 lây lan thêm ra thế giới.

"Cả thế giới mang ơn Trung Quốc. Thế giới cần những kinh nghiệm từ Trung Quốc để chiến thắng dịch bệnh này. Không quốc gia nào có nhiều kinh nghiệm đối phó với COVID-19 như Trung Quốc", tờ South China Morning Post dẫn lời ông Aylward cho biết.

Được biết nhóm của ông Aylward đã đến Vũ Hán tâm dịch Vũ Hán hồi tuần trước.

"Rất nhiều nguồn đều chỉ ra số ca lây nhiễm COVID-19 đang giảm mạnh. Thế giới này mang ơn các bạn (Trung Quốc). Những người dân ở Vũ Hán đã và vẫn đang trải qua một giai đoạn thật khó khăn nhưng họ vẫn tiếp bước tiến lên" - đại diện WHO nhấn mạnh.

Chuyên gia Bruce Aylward cũng tuyên bố chiến dịch dập dịch “toàn chính phủ, toàn xã hội” của Trung Quốc là “phi thường” và “tham vọng, linh động nhất” trong lịch sử nhân loại. “Đối mặt với một loại bệnh chưa từng được biết đến trước đây, Trung Quốc đã áp dụng một trong những chiến lược cổ xưa nhất để kiểm soát bệnh” - ông Aylward nhận xét.

Hàn Quốc sẽ xét nghiệm COVID-19 toàn bộ tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa

Hôm 25-2, nhà chức trách Hàn Quốc khẳng định sẽ nhanh chóng xét nghiệm nhiễm virus COVID-19 với mọi tín đồ thuộc giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) sau khi có được danh sách toàn bộ tín đồ, theo hãng tin Yonhap.

Khoảng 60% tổng số ca bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc có liên quan tới một nhà thờ của giáo phái này tại TP Daegu. Một giáo phận nhỏ của Tân Thiên Địa mới đây đã đồng ý cung cấp cho nhà chức trách danh sách toàn bộ tín đồ của họ.

Giáo phái hiện được cho là đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền nhưng Seoul vẫn coi sự hợp tác này là chưa đủ. Do đó, chính quyền nước này khẳng định sẽ có biện pháp cưỡng chế pháp lý nếu Tân Thiên Địa không hỗ trợ nỗ lực kiềm chế dịch bệnh.

Trong diễn biến liên quan, các quan chức thuộc đảng cầm quyền Dân chủ (DP) của Hàn Quốc và văn phòng Tổng thống tiết lộ chính quyền nước này đã lên kế hoạch áp dụng các bước cách ly theo dõi "tối đa" tại TP Daegu và tỉnh lân cận để ngăn chặn dịch bệnh và tìm cách phân bổ thêm nguồn ngân sách bổ sung chống dịch.


Nguồn: Báo PLO