Tin mới về y tế ngày 9/6: Cảnh báo sự xuất hiện vi khuẩn ăn thịt người; Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại TP.HCM

ngày 09/06/2022

Sau một thời gian im ắng hiện đã có trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) tại Đắc Lắk.

Phát hiện 1 bệnh nhi mắc bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk, trường hợp mắc bệnh Whitmore là bệnh nhi N.T.V. (Sinh năm 2013, ngụ xã Ia Lốp, huyện Ea Súp).

Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng chóng mặt tại TP.HCM

Mẹ của bệnh nhi V. cho biết, bệnh nhi phát bệnh trước khi nhập viện khoảng 10 ngày với triệu chứng sốt cao kèm sưng, đau vùng mang tai 2 bên.

Ở nhà, V. đã đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc 3 ngày nhưng không giảm. Ngày 4/6, bệnh nhi được đưa tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên và nhập viện trong tình trạng sốt 39 độ C, tuyến mang tai 2 bên sưng to, góc hàm có điểm ấn mềm hóa mủ, đau nhiều, há miệng hạn chế…

Ngày 7/6, bệnh nhi sốt cao liên tục, áp xe tuyến mang tai 2 bên đã rạch, rỉ mủ máu, đi vệ sinh lỏng 5 lần/ngày.

Kết quả xét nghiệm, bệnh nhi này dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei; chẩn đoán: Hậu phẫu áp xe tuyến mang tai 2 bên/nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei/TD viêm màng não.

Theo CDC Đắk Lắk, sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore, trung tâm đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ.

CDC Đắk Lắk đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn và báo cáo theo quy định. Whitmore thường được gọi là bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra.

Đây là căn bệnh truyền nhiễm rất khó phát hiện do dễ nhầm lẫn với các bệnh khác và không được điều trị kịp thời.

Ngay cả khi được chẩn đoán đúng bệnh, việc điều trị cũng vô cùng khó khăn và có nguy cơ tử vong cao. PGS.TS.Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho hay, bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng.

Bệnh nhân sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài; suy hô hấp; loét da; viêm đường tiết niệu; viêm phổi; áp xe ở gan; lách; nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...

Do bệnh cảnh lâm sàng đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…

Không những khó chẩn đoán, Whitmore còn khó điều trị. Bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%).

Ngoài nguyên nhân do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng gây tử vong, theo PGS Cường, dù chẩn đoán đúng, bệnh nhân nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong.

Bên cạnh đó, không ít bệnh nhân bỏ cuộc do việc điều trị lâu dài, tốn kém. Việc chẩn đoán xác định khuẩn gây bệnh Whitmore được thực hiện bằng nuôi cấy máu và các dịch ổ áp xe.

Theo PGS.Cường, những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Vị chuyên gia khẳng định bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Hiện chưa có vắc-xin, do đó các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…

Người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn là biện pháp phòng bệnh hữu ích.

Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… PGS.Cường cũng khuyến cáo khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, người dân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.

Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Lo ngại các biến chủng, biến chủng phụ lây lan nhanh

Trên thế giới, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia (Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Nam Phi...) và tại khu vực châu Mỹ, châu Phi và Tây Thái Bình Dương. Các biến chủng, biến chủng phụ áng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước.

Vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, do đó cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể và mức độ tăng nặng và tử vong.

Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.

Chuyên gia dự báo thời gian tới có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương; đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; tác động hậu Covid-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ…

GS.TS.Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, cuối tháng 3/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố kế hoạch kết thúc "tình trạng khẩn cấp" của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới mới công bố kế hoạch chứ không phải là công bố kết thúc đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, trong Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 được ban hành tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022, Chính phủ nêu rõ nội dung nghiên cứu, đánh giá và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang xếp Covid-19 trong nhóm A. Đáng chú ý, trong kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra ba kịch bản.

Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là virus gây Covid-19 tiếp tục phát triển, nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh mà nó gây ra sẽ giảm theo thời gian khi khả năng miễn dịch tăng lên nhờ tiêm chủng.

Khi đó, có thể cần tiêm vắc-xin nhắc lại cho những người có nguy cơ cao nhất. Dịch bệnh có thể theo mùa, với đỉnh điểm vào những tháng lạnh hơn, tương tự như bệnh cúm.

Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra tình huống khi các biến thể trong tương lai sẽ "ít nghiêm trọng hơn đáng kể", khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng sẽ lâu dài mà không cần tiêm nhắc lại.

Cũng có thể có tình huống xấu nhất, virus biến đổi thành một mối đe dọa mới, có khả năng lây truyền cao và gây chết người hơn…

Chính vì vậy, PGS.TS.Trần Đắc Phu nêu rõ, chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp để "nghe ngóng", đánh giá tình hình dịch một cách chính xác, dịch diễn biến tới đâu, đáp ứng tới đó, cần đánh giá nguy cơ một cách chính xác để có đáp ứng phù hợp nhất.

Đồng tình với việc bỏ khai báo y tế trong thông điệp 5K vốn đã quen thuộc với người dân từ gần hai năm nay, PGS.TS.Trần Đắc Phu cho rằng không nên quá băn khoăn áp dụng 5K hay 2K, 3K, 1K… mà cần áp dụng một cách linh hoạt, uyển chuyển, phù hợp từng điều kiện, tình huống, hoàn cảnh và từng địa phương.

Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022 - 2023.

TP.HCM: Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Ngày 8/6, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca.

Trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca). Riêng ghi nhận trong tuần 22 (từ ngày 27/5 đến 2/6/2022), thành phố có 1.504 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước.

Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Trong tuần, hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay vẫn là 7 trường hợp.

Số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Cũng theo HCDC, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 4.768 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Chỉ tính riêng trong tuần 22, thành phố ghi nhận thêm 977 ca bệnh tay chân miệng, tăng 159 ca (19,5%) so với trung bình 4 tuần trước đó.

Trong đó số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm ở các trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Theo HCDC, hiện nay TP.HCM đã bước vào mùa mưa, mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết.

Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, công sở hãy cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến chung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh loăng quăng, muỗi…

Người dân cần đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt loăng quăng.

Người dân cũng cần sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

Thiếu nữ tử vong do không tiêm vắc-xin dại

Bị mèo cắn, không đi tiêm phòng vắc-xin dại, thiếu nữ 16 tuổi ở Đắk Lắk tử vong Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, ngày 7/6, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong nghi do bệnh dại. Đây là trường hợp tử vong thứ 2 do dại tính từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhân là H.N.H. (SN 2006, trú tại Buôn Cư Mblim, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Theo người nhà bệnh nhân, trước đó, vào ngày 9/5, bệnh nhân bị mèo cắn, cào ở tay nhưng không đi tiêm phòng vắc-xin dại. Ngày 25/5, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, mệt mỏi, ăn uống kém, sợ nước, gió.

Ngày 27/5, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị và được chẩn đoán bệnh dại lên cơn.

Sau đó, bệnh nhân được người nhà xin chuyển vào Bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM. Ngày 28/5, tình trạng bệnh không cải thiện, người nhà xin cho bệnh nhân về nhà và tử vong trên đường về.

Hiện Trung tâm Y tế TP.Buôn Ma Thuột đang tiếp tục giám sát bệnh dại tại khu vực bệnh nhân sinh sống.

CDC Đắk Lắk cũng kiến nghị Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh phối hợp điều tra, xứ lý và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo tại buôn Cư Mblim.

Nguồn: baodautu.vn