Thói quen âm thầm hủy hoại đôi mắt nhiều người không biết vẫn làm

ngày 15/11/2022

Thị lực là một yếu tố di truyền nhưng sức khỏe của mắt cũng phụ thuộc phần lớn vào chế độ sinh hoạt và thói quen hàng ngày của bạn.

Dưới đây là những thói quen có thể gây hại cho mắt nhưng ít ai để ý:

Dụi mắt

Theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa Quốc tế, dụi mắt quá mạnh hoặc thường xuyên có thể thực sự làm hỏng mắt bằng cách gây ra keratoconus.

Cụ thể, khi bạn dụi mắt, bạn có thể làm hỏng giác mạc và điều này dẫn đến sự phát triển của keratoconus, một căn bệnh khiến giác mạc trở nên mỏng hơn và bắt đầu phình ra bên ngoài.

Trong trường hợp này, các mạch mỏng manh xung quanh mắt bắt đầu tổn thương. Điều này làm cho thị lực của bạn ngày càng kém. Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân khiến bạn thường xuyên bị đau mắt đỏ.

Chưa kể đến việc khi bạn dụi mắt, bụi bẩn và vi khuẩn sẽ theo tay đi vào mắt của bạn. Ngay khi bạn dụi mắt với bàn tay được rửa sạch sẽ thì bạn vẫn gặp nguy cơ làm tổn thương mắt của bạn.

Không đeo kính râm khi đi ra ngoài

Không đeo kính râm có thể khiến mắt dễ bị tổn thương bởi tia UV từ ánh nắng mặt trời.

Theo một nghiên cứu của Viện Mắt Quốc gia từ năm 2014, việc phơi nhiễm quá mức có thể gây đục thủy tinh thể.

Tốt nhất nên sử dụng kính râm có khả năng ngăn chặn 99 hoặc 100% tia UVA và UVB. Điều này sẽ giúp tạo ra một “hàng rào bảo vệ” giữa võng mạc của bạn và luồng tia UV.

Ở trong môi trường điều hòa quá lâu

Dùng điều hòa không khí quá nhiều làm giảm độ ẩm tương đối trong phòng, góp phần gây ra bệnh khô mắt, về lâu dài có thể dẫn đến suy giảm thị lực do gây tổn thương bề mặt trước của mắt.

Thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại

Không nghỉ giải lao khi làm việc trên máy tính có thể gây ra hội chứng thị giác máy tính. Đây là một nhóm các vấn đề liên quan đến mắt và thị lực do sử dụng máy tính, máy tính bảng, máy đọc sách điện tử và điện thoại di động trong thời gian dài. Các triệu chứng phổ biến nhất là mỏi mắt, đau đầu, mờ mắt, khô mắt, đau cổ và vai.

Nguyên nhân có thể do ánh sáng kém, chói trên màn hình kỹ thuật số, khoảng cách xem không phù hợp, tư thế ngồi sai, vấn đề về thị lực không được điều chỉnh.

Sử dụng các thiết bị màn hình càng nhiều, triệu chứng càng nặng, thậm chí làm giảm thị lực liên tục không hồi phục.

Bên cạnh đó, nếu ngồi máy tính và sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài, bạn có thể cảm thấy các triệu chứng khô mắt khó chịu. Điều này đặc biệt xảy ra khi bạn đang cố đọc văn bản chữ nhỏ với đèn nền màu xanh lam sáng.

Trong điều kiện đó, tần suất chớp mắt giảm, do đó màng nhầy của mắt bắt đầu khô dần. Do không đủ độ ẩm, mắt nhanh mệt hơn, nhìn mờ và thủy tinh thể của mắt bắt đầu biến dạng.

Do đó, các bác sĩ nhãn khoa khuyên bạn nên tuân theo quy tắc 20-20-20: Cứ sau 20 phút, cho mắt nghỉ 20 giây để nhìn ra khoảng cách 20 feet (6 mét), để đôi mắt khỏe mạnh hơn.

Hút thuốc

Mối liên hệ giữa hút thuốc lá và tăng nguy cơ đục thủy tinh thể và mất thị lực trước 40 tuổi đã được chứng minh từ lâu.

Hút thuốc cũng có thể gây ra thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác, có liên quan đến tổn thương một vùng nhỏ trên võng mạc chịu trách nhiệm về thị lực. Khi khu vực này bị ảnh hưởng, thị lực của bạn bắt đầu kém đi. Và hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh lên gần 2 lần.

Ăn uống không cân bằng

Ăn quá nhiều thực phẩm chế biến và giàu chất béo cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt.
Đôi mắt cần các chất dinh dưỡng như axít béo omega-3, lutein, kẽm, và vitamin C và E để ngăn ngừa đục thủy tinh thể hoặc thoái hóa điểm vàng. Ngoài ra, chế độ ăn uống nên bao gồm các loại rau lá xanh như rau bó xôi, xà lách và cải thìa, cá béo như cá hồi, cá ngừ, trứng, các loại hạt và đậu, chanh, cam, hàu và thịt heo.

Bạn cũng có thể bổ sung các thực phẩm chức năng hỗ trợ cho đôi mắt, nhưng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý bổ sung bừa bãi.

Nguồn: nguoiduatin.vn