Năm nay, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện muộn hơn mọi năm. Đặc biệt từ tháng 7 các ca bệnh tăng nhanh. Bên cạnh đó đã xuất hiện một số bệnh nhân diễn biến nặng với các biểu hiện của nhiễm khuẩn huyết, diễn biến suy đa tạng cần phải can thiệp.
Bệnh sốt xuất huyết không xa lạ với nhiều người, đây là bệnh dễ phòng tránh tuy nhiên lại có nhiều người mắc. Mỗi khi gia đình có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhiều người tỏ ra lúng túng trong cách chăm sóc và điều trị bệnh. Do đó, có nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề này, một trong những băn khoăn đó là người bị sốt xuất huyết nên ăn đồ ăn thế nào, có nên vận động không và đặc biệt người bị sốt xuất huyết có được tắm không?
Bài viết dưới đây của BSCKII Vũ Hoài Nam, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Hữu Nghị sẽ giúp bạn đọc giải toả được những thắc mắc trên.
Dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue và gây ra nhiều tác động lên cơ thể. Người bệnh có thể nhận biết các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết như:
- Sốt cao đột ngột, liên tục
- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn
- Da xung huyết
- Đau mỏi người, đau cơ, đau khớp, nhức hai hốc mắt
- Ngày thứ 4 kể từ khi có biểu hiện sốt, thường xuất hiện chấm đỏ dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi?
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến qua 3 giai đoạn.
- Giai đoạn sốt: Diễn ra từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4. Lúc này bệnh nhân thường sốt, đau đầu, mệt mỏi toàn thân, khó chịu. Tuy nhiên đây chưa phải giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Có thể điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Khi có những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cần nhập viện để theo dõi.
- Giai đoạn nguy hiểm: Xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. Có thể có chỉ định nhập viện đối với những bệnh nhân cao tuổi hoặc các bệnh nhân có bệnh lý nền kèm theo để theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm các biến chứng hay dấu hiệụ nặng.
- Giai đoạn hồi phục: Sau khoảng 2 tuần, bệnh nhân sẽ hồi phục lại hoàn toàn.
Người bệnh sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Người mắc sốt xuất huyết cần thực hiện xét nghiệm máu hàng ngày đặc biệt từ ngày thứ 3-7 của bệnh. Bên cạnh đó cần theo dõi các dấu hiệu cảnh báo như đau bụng, nôn nhiều, các dấu hiệu xuất huyết ở niêm mạc như đi tiểu ra máu, nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu cam kéo dài, xuất hiện kinh nguyệt sớm/kinh nguyệt kéo dài… Lúc này cần phải nhập viện ngay để theo dõi và điều trị.
Sốt xuất huyết có bị mắc lại không
Sốt xuất huyết Dengue có 4 type huyết thanh gây bệnh. Khi đã nhiễm 1 type thì không có miễn dịch chéo sang type khác. Do vậy, một người có khả năng tái mắc sốt xuất huyết Dengue. Đối với những người cao tuổi xác suất từng mắc sốt xuất huyết Dengue cao hơn so với người trẻ tuổi. Do vậy, tỷ lệ người cao tuổi mắc sốt xuất huyết Dengue trong một năm thấp hơn so với người trẻ.
Người cao tuổi thường kèm theo khá nhiều bệnh nền. Hơn nữa sốt xuất huyết Dengue ảnh hưởng nhiều tới các bệnh lý tim mạch, huyết học. Vì vậy với những bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền cần được theo dõi sát để phát hiện sớm các biến chứng, xử lý sớm, hạn chế nguy cơ tử vong. Người cao tuổi (trên 60 tuổi) sẽ có chỉ định bắt buộc nhập viện.
Sốt xuất huyết có được tắm?
Khi bị mắc sốt xuất huyết hay sốt nói chung cần tránh cho cơ thể nhiễm lạnh. Người mắc sốt xuất huyết nên hạn chế tắm vì việc tắm khó có thể giữ ấm được cho cơ thể.
Bên cạnh đó, trong những ngày đầu khi sốt cao bệnh nhân có thể không tắm. Nhưng ở giai đoạn hết sốt, bệnh nhân sẽ có tâm lý chủ quan hơn. Tuy nhiên đây mới là giai đoạn nguy hiểm do tiểu cầu giảm và có những rối loạn về vận mạch khiến bệnh nhân dễ bị choáng, ngất. Nếu khi tắm xảy ra những va chạm hoặc gây chảy máu sẽ rất khó cầm, khiến bệnh trở nặng.
Sốt xuất huyết nên ăn gì?
Trong giai đoạn sốt, bệnh nhân cần phải bù đủ nước cho cơ thể. Đồng thời lựa chọn chế độ ăn tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe cho cơ thể. Ở giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết, khi tiểu cầu giảm và chức năng gan bị ảnh hưởng (enzim gan có thể tăng) dẫn đến khả năng ăn uống gặp khó khăn hơn so với giai đoạn đầu. Với những người có bệnh nền vẫn cần tuân thủ theo chế độ ăn.
Lưu ý trong giai đoạn nguy hiểm, tiểu cầu giảm khiến nguy cơ xuất huyết cao, người bệnh cần ăn mềm. Việc ăn mềm giúp cơ thể tăng lượng nước. Quan trọng hơn, việc ăn mềm giúp răng không bị lung lay và không gây chảy máu chân răng. Với những bệnh nhân sốt xuất huyết, việc chảy máu chân răng không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây ra tâm lý sợ hãi. Bệnh nhân sốt xuất huyết không cần kiêng ăn gì.
Ngoài lưu ý về chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân sốt xuất huyết cần lưu ý chế độ vận động. Do nguy cơ va chạm, chấn thương sẽ gây chảy máu, xuất huyết cao. Bệnh nhân sốt xuất huyết nên hạn chế đi lại, vận động nhiều. Với những người cao tuổi cần được người nhà theo dõi để phòng ngừa các nguy cơ trượt, ngã.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì nếu được theo dõi và điều trị đúng phác đồ.
Nguồn: suckhoedoisong