Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường cần đánh giá thêm mức độ stress

ngày 18/05/2022

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay tỷ lệ stress ở người bệnh đái tháo đường khá cao, điều này có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc và tuân thủ điều trị của người bệnh.

Đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính không lây phổ biến và đang trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng ở người trưởng thành và trẻ em. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh ở các nước có thu nhập thấp đến trung bình.

Theo chia sẻ của TS.BS Huỳnh Giao (Đại học Y dược TP HCM), căn cứ dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tính đến năm 2021, trên thế giới có khoảng có 6,7 triệu trường hợp tử vong do bệnh đái tháo đường gây ra, khoảng 537 triệu người trưởng thành đang mắc bệnh đái tháo đường và dự đoán con số này sẽ tăng lên 643 triệu người vào năm 2030.

Tại Việt Nam, bệnh đái tháo đường đang là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, với tỷ lệ hiện mắc bệnh này đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, theo dữ liệu cập nhật của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF), tỷ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành tăng từ 3,2% trong năm 2011 lên 6,1% trong năm 2021.

Ảnh minh họa.

Theo đó, đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa do tăng đường huyết trong thời gian dài gây nên tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt, và thần kinh. Sống chung với bệnh đái tháo đường lâu dài, người bệnh có thể bị ảnh hưởng không chỉ về sức khỏe thể chất mà còn có các vấn đề tâm lý xã hội được gọi là stress (căng thẳng).

Các vấn đề tâm lý ở người bệnh đái tháo đường có ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc và điều trị, người bệnh có nguy cơ bị stress từ đó dẫn đến hậu quả kiểm soát đường huyết kém, giảm tuân thủ điều trị và giảm chất lượng cuộc sống.

Stress liên quan đến bệnh đái tháo đường được đánh giá theo 4 khía cạnh, bao gồm:

- Stress liên quan đến cảm xúc (người bệnh nhân cảm thấy tức giận hoặc sợ hãi khi sống chung với bệnh);

- Stress trong các mối quan hệ (người bệnh nghĩ rằng bạn bè hoặc thành viên gia đình không hiểu những khó khăn của họ khi sống chung với bệnh đái tháo đường);

- Stress liên quan đến thầy thuốc (người bệnh nghĩ rằng các bác sĩ đã không tư vấn kỹ về cách quản lý tình trạng bệnh của họ);

- Stress liên quan đến điều trị (người bệnh lo ngại về việc không được xét nghiệm đường huyết thường xuyên).

Theo nghiên cứu của TS.BS Huỳnh Giao (Đại học Y dược TP HCM) và cộng sự đánh giá stress ở người bệnh đái tháo đường tại 3 bệnh viện quận của TPHCM, kết quả cho thấy tỷ lệ này là 29,4%, trong đó có 23,6% stress ở mức độ trung bình và 5.8% mức độ nặng (2).

Trong nghiên cứu can thiệp giáo dục sức khỏe về việc tuân thủ điều trị ở người bệnh đái tháo đường type 2 tại phòng khám Y học gia đình, Bệnh viện Lê Văn Thịnh tại TP HCM của nhóm nghiên cứu tại khoa Y tế Công cộng và Đại học Y Dược TP HCM, kết quả cho thấy người bệnh đạt được kiến thức và thực hành tuân thủ điều trị tốt sau khi được giáo dục sức khỏe.

TS.BS Huỳnh Giao nêu rõ: Tỷ lệ stress ở người bệnh đái tháo đường khá cao, điều này có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc và tuân thủ điều trị của người bệnh. Do đó, cần kết hợp đánh giá mức độ stress như một phần trong chăm sóc người bệnh đái tháo đường, bên cạnh việc giáo dục sức khỏe về chế độ điều trị, dinh dưỡng và vận động hợp lý.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//cham-soc-benh-nhan-dai-thao-duong-can-danh-gia-them-muc-do-stress-169220515132155911.htm