Tính đến 6h ngày 14/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.
Riêng tại TPHCM, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, đến nay Thành phố đã qua 43 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng. Tất cả các bệnh nhân COVID-19 đều đã được chữa khỏi.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 918 bệnh nhân bệnh nhân COVID-19/1.063 ca mắc; có 54 ca có số lần xét nghiệm âm tính từ 1-3 lần, sắp được công bố khỏi bệnh.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 73 ca không có biểu hiện lâm sàng, 31 ca có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 4 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, chiếm (3,3%).
Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối, suy hô hấp cấp tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường …
Theo nhận định của Bộ Y tế, hiện tình hình dịch trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, đặc biệt tại một số nước sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch đã bùng phát dịch trở lại, dự báo trong thời gian tới số ca bệnh còn tiếp tục gia tăng. Hiện, dịch bệnh đã lan rộng trên phạm vi toàn cầu tại hơn 200 quốc gia.
Ở Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp chung sống an toàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh.
Để phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Đồng thời, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; hạn chế tụ tập đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét tại các khu vực công cộng.
Mỗi hộ gia đình cần thực hiện vệ sinh nhà cửa, lau bề mặt, nền nhà, vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, công tắc điện,...vệ sinh ít nhất 1 lần/ngày.