Nguy cơ bệnh truyền nhiễm tấn công trẻ sau giãn cách xã hội

ngày 12/10/2021

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, trong thời gian thành phố giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, việc tiêm chủng cho trẻ em đôi lúc bị gián đoạn.

TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam liên tiếp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhiều tháng vì dịch Covid-19. Suốt thời gian này, hệ thống y tế tập trung phòng, chống Covid-19, nhiều gia đình hạn chế ra đường khiến việc tiêm vaccine phòng bệnh của trẻ đôi lúc gián đoạn.

Nhanh chóng tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ

Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết thời gian qua, ngoài những tin nhắn thắc mắc liên quan Covid-19, ông nhận được rất nhiều câu hỏi của phụ huynh về các mũi tiêm vaccine quan trọng của trẻ nhỏ.

Bác sĩ Khanh lưu ý trong giai đoạn nhiều địa phương trở lại bình thường mới, người dân nên mạnh dạn đưa trẻ đi tiêm chủng. Bởi hệ miễn dịch của trẻ nhỏ còn non yếu, nếu trì hoãn mũi tiêm quan trọng, trẻ có thể mắc nhiều bệnh truyền nhiễm do lỡ thời gian vàng tiêm vaccine phòng bệnh.

Phụ huynh chăm sóc con tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, trong đợt dịch sởi cuối năm 2018. Ảnh: Liêu Lãm.

Chuyên gia này nhấn mạnh: "Trẻ mắc Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ và tự khỏi sau một thời gian, nhưng nếu bỏ lỡ các mũi vaccine quan trọng thì bé có thể mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm".

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, dự đoán sau giai đoạn nới lỏng giãn cách, nhu cầu tiêm chủng trên cả nước sẽ tăng rất cao.

Bác sĩ này cho biết 100 ngày giãn cách xã hội là 100 ngày có nguy cơ trễ lịch tiêm chủng của trẻ nhỏ, gây ra 1.000 ngày lo lắng về sau vì hàng chục bệnh truyền nhiễm sẵn sàng tấn công trẻ, ảnh hưởng sự phát triển của bé sau này.

TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Hà Nội), cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ trẻ em đi tiêm chủng các loại vaccine giảm rõ rệt.

Chuyên gia này nhận định tình trạng bỏ mũi, trễ lịch diễn ra ở khắp cả nước có thể dẫn đến hậu quả xuất hiện các đợt dịch bệnh về sau. Đặc biệt, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm nhắc các bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt sớm nhất có thể trong độ tuổi từ 4-6.

Những mũi tiêm quan trọng

Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý các mũi tiêm đặc biệt quan trọng cần thiết cho trẻ nhỏ, cần được tiêm đúng thời gian vàng là: vaccine 5 trong 1, 6 trong 1, MMR (sởi - quai bị - rubella), thủy đậu, phế cầu khuẩn, viêm não Nhật Bản, lao... Những mũi vaccine còn lại có thể trì hoãn để tiêm sau, chưa cần gấp.

Bác sĩ Khanh lưu ý các trung tâm tiêm chủng cố gắng hẹn giờ thu xếp tiêm ngừa các mũi vaccine quan trọng cho các bé.

"Để hạn chế tiếp xúc và tránh tập trung đông người, tốt nhất là hẹn giờ tiêm chủng. Người lớn đeo khẩu trang, còn trẻ con không đeo khẩu trang được thì dùng nón che giọt bắn", bác sĩ Khanh nói.

Phụ huynh đưa con tiêm vaccine tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Bích Huệ.

Từ năm 2015 đến nay, các thống kê cho thấy tỷ lệ ca mắc và tử vong của bệnh ho gà và bạch hầu ở Việt Nam đang tăng trở lại. Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, trong năm 2020, khu vực này ghi nhận tổng số 191 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Năm 2019, tỷ lệ ho gà cũng tăng đột biến lên hơn cả nghìn ca so với trước đây.

Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM chiều 11/10, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết trong cao điểm dịch vừa qua, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em (ngoài vaccine Covid-19) vẫn được duy trì nhưng đôi lúc gián đoạn.

"Những mũi tiêm quan trọng như lao, viêm gan siêu vi B sơ sinh..., vẫn được duy trì. Việc chậm trễ vaccine vài tháng không ảnh hưởng lớn đến khả năng miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, hiện nay, khi dịch bình ổn, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đi tiêm chủng", ông Tâm khuyến cáo.

Đầu tháng 10, HCDC ra văn bản nhắc nhở y tế địa phương sớm nối lại hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ. Phó giám đốc HCDC khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm 5K khi đưa trẻ đi tiêm chủng, tích cực nắm bắt thông tin từ địa phương và nhanh chóng đưa con đi tiêm đúng lịch để tạo miễn dịch tốt nhất cho trẻ nhỏ.

Khi phát hiện bé đã trễ lịch tiêm chủng mở rộng, phụ huynh cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng để được tư vấn. Tùy theo độ tuổi của bé và loại bệnh truyền nhiễm, nhân viên y tế có thể sẽ có hướng khắc phục để tiêm bù mũi bị nhỡ cho trẻ.

Nguồn: https://zingnews.vn/nguy-co-benh-truyen-nhiem-tan-cong-tre-sau-gian-cach-xa-hoi-post1270014.html