Người từng mắc Covid-19 có nên tiêm vắc-xin?

ngày 27/08/2021

 


Các dữ liệu về lâm sàng và miễn dịch hiện có cho thấy, người từng mắc Covid-19 được bảo vệ trong ít nhất 6 - 10 tháng.

Tiêm chủng sau 6 tháng

Theo TS.DS Tạ Thanh Sơn - tốt nghiệp Tiến sĩ tại Viện Công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg (Đức), trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng nên chủng ngừa vắc-xin sau 6 tháng nhiễm bệnh.

Bởi, các dữ liệu về lâm sàng và miễn dịch hiện có cho thấy, người từng mắc Covid-19 được bảo vệ trong ít nhất 6 - 10 tháng. Đặc biệt, những tháng đầu sau khi mắc bệnh, nguy cơ tái nhiễm là rất thấp. Tuy nhiên, nguy cơ này có thể tăng theo thời gian.

“Ngay cả khi đã xác nhận nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng, việc chủng ngừa có thể được tiến hành sớm nhất là 4 tuần sau khi chẩn đoán bệnh”, TS Sơn chia sẻ.

Chuyên gia này dẫn chứng, theo Viện Robert Koch (Đức), bất kỳ loại vắc-xin Corona nào đã được phê duyệt cũng phù hợp để tiêm chủng Covid-19 cho những người đã khỏi bệnh. Điều cần được xem xét là các nhóm tuổi được chấp thuận, cũng như khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Người tiêm phòng không bắt buộc thực hiện các xét nghiệm để chắc chắn rằng mình không bị bệnh trước khi tiêm chủng Covid-19. Các kết quả nghiên cứu từ Viện Robert Koch không ghi nhận bất kỳ rủi ro sức khỏe đối với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và tiêm chủng sau khi nhiễm bệnh.

Trong các nghiên cứu phê duyệt để cấp phép cho vắc-xin mRNA cũng bao gồm những người tham gia từng nhiễm SARS-CoV-2. Kết quả không cho thấy sự khác biệt về các tác dụng phụ mắc phải của nhóm người có tiền sử bị bệnh và nhóm không có bệnh”, TS.DS Tạ Thanh Sơn dẫn chứng.

Thậm chí, trong một số trường hợp, các phản ứng tại chỗ và toàn thân sau khi tiêm chủng là tốt hơn. Về hiệu quả tiêm chủng, kết quả các nghiên cứu cũng không cho thấy bất kỳ sự khác biệt nào dù đã nhiễm SARS-CoV-2 hay chưa.

“Trong 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch đủ sức đề kháng để chống lại virus. Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm và sức đề kháng sau đó sẽ yếu dần. Do đó, Ủy ban Tiêm chủng Thường trực của Đức (STIKO) khuyên nên hoàn thành việc bảo vệ bằng mũi tiêm vắc-xin thứ hai trong vòng 6 tháng từ sau khi nhiễm bệnh”, TS.DS Tạ Thanh Sơn chia sẻ.

“Cân đo” hiệu quả

Trong khi đó, theo Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia), có hai cách để đạt mức độ miễn dịch. Đó là qua bị nhiễm hoặc tiêm vắc-xin.

Chuyên gia này cho biết, khi một người đã nhiễm Covid-19 và hồi phục, tức là họ đã có miễn dịch ở mức độ nào đó. Trong khi đó, người chưa bị nhiễm khi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng sẽ đạt miễn dịch.

Chia sẻ về vấn đề liệu miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch từ vắc-xin tốt hơn, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn dẫn chứng: “Theo một nghiên cứu quan sát từ Mỹ, miễn dịch từ vắc-xin tốt hơn miễn dịch tự nhiên. Theo nghiên cứu này, người đã mắc Covid-19 nhưng không được tiêm vắc-xin có nguy cơ bị nhiễm lần nữa cao hơn những người chưa bị nhiễm mà được tiêm vắc-xin”.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, đây là nghiên cứu bệnh chứng và số cỡ mẫu nhỏ (246 bệnh nhân). Do đó, chứng cứ khoa học chưa đủ mạnh.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu từ Do Thái, miễn dịch tự nhiên tốt hơn miễn dịch từ vắc-xin. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên toàn bộ dân số Do Thái. Họ chia dân số thành hai nhóm chính: Đã bị nhiễm nhưng chưa tiêm vắc-xin và bình phục, sau đó bị nhiễm tiếp; Chưa bị nhiễm và tiêm vắc-xin nhưng vẫn mắc bệnh.

Nhóm đầu cho phép ước tính hiệu quả của miễn dịch tự nhiên. Nhóm hai là tính hiệu quả của miễn dịch do vắc-xin.

Kết quả cho thấy, hiệu quả của miễn dịch tự nhiên là 95% giảm nguy cơ nhiễm lần hai, 94% giảm nguy cơ nhập viện và 96% giảm nguy cơ bị nhiễm nặng.

Trong khi đó, hiệu quả của miễn dịch do vắc-xin là 93% giảm nguy cơ nhiễm; 94% giảm nguy cơ nhập viện; 94% giảm nguy cơ bị nhiễm nặng và 94% giảm nguy cơ tử vong.

“Nói cách khác, hiệu quả của miễn dịch tự nhiên không khác gì, thậm chí cao hơn hiệu quả của miễn dịch từ vắc-xin”, chuyên gia chia sẻ.