Nghén nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi?

ngày 14/07/2022

Trường hợp nghén rất nặng ăn uống vào là ói thì có thể dùng thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng nghén hoặc nhập viện để truyền dịch

Hỏi: Bạn đọc N.H.L (32 tuổi; ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) hỏi: "Phụ nữ mang thai có nhiều trường hợp bị nghén. Tuy nhiên, tôi nghén rất nặng, chỉ cần ngửi mùi từ xa là ói. Nhiều khi đói cồn cào nhưng ăn vào là ói khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi phải làm gì để giảm bớt tình trạng này, nghén quá nặng có ảnh hưởng đến thai nhi không?".

Trả lời: Bác sĩ Vương Tú Như, Khoa Phụ sản - Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM), trả lời: Nghén là biểu hiện thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu. Trong đó, nghén thường xuất hiện từ tuần thứ 5-6 cho đến 12 tuần của thai kỳ, sau đó giảm dần và hết. Tuy nhiên, có những trường hợp nghén kéo dài hơn, thậm chí đến lúc sinh.

Biểu hiện nghén không chỉ là buồn nôn, ói mà có người còn cảm thấy li bì, mất ngủ, mệt mỏi, hồi hộp... Đa số phụ nữ khi mang thai đều có dấu hiệu nghén, nghén nhiều hay ít tùy vào cơ địa khác nhau. Khi mang thai có những thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ nên gây ra tình trạng nghén. Nếu nghén ở mức độ vừa phải thông thường không ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ và em bé. Tuy nhiên, có những trường hợp nghén nặng không ăn uống được khiến sụt cân, gây rối loạn cân bằng điện giải, lúc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Đối với trường hợp nghén nặng có thể thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày như chia nhỏ nhiều bữa ăn. Người thân cũng không nên ép ăn gây áp lực, ảnh hưởng tâm lý sẽ khiến bà bầu càng nghén nặng. Chị em phụ nữ khi mang thai cần có tinh thần thoải mái, thèm gì ăn đó.

Trường hợp nghén rất nặng, ăn uống vào là ói thì có thể dùng thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng nghén hoặc nhập viện để truyền dịch. Khi thực hiện các biện pháp này cần phải có sự tư vấn của bác sĩ sản khoa.

Nguồn: nld.com.vn