Tự ý dùng thuốc kháng sinh là thói quen nguy hiểm
Theo GS.TS Ngô Quý Châu - Phó Giám đốc Phụ trách Bệnh viện Bạch Mai, trong quá thăm khám tại bệnh viện, ông đã chứng kiến nhiều trường hợp chủ quan với việc sử dụng thuốc kháng sinh. Có người bệnh khi bị ốm không chịu đi khám mà lục lại đơn thuốc được bác sĩ kê từ 3 năm trước để tự đi mua thuốc về điều trị.
"Rất nhiều người bệnh khi thấy có dấu hiệu như hắt hơi, sổ mũi, sốt thì ra ngay hiệu thuốc mua kháng sinh. Lẽ ra phải đến bệnh viện để được thăm khám thì họ lại tin vào người bán thuốc. Hầu như, nhiều người bệnh chỉ khi bệnh tiến triển rất nặng và đã qua sử dụng thuốc ở nhà rồi mới đến bệnh viện. Đây là một thói quen sử dụng kháng sinh khá tùy tiện" – GS.TS Ngô Quý Châu nói.
Cũng có những trường hợp nguy hiểm hơn đó là, người bệnh khi thấy có triệu chứng giống với triệu chứng mình từng mắc trước đó thì tự ý đi mua thuốc với đơn thuốc sẵn có lần trước. Việc tự mua thuốc như vậy không phù hợp về liều, về thuốc so với mặt bệnh.
"Một liều thuốc đó có thể sẽ cần đến 3g/ngày nhưng người bệnh chỉ uống một nửa liều. Việc uống kháng sinh không đủ liều rất nguy hiểm vì nó dẫn tới việc vi khuẩn thích nghi dần. Có những trường hợp bệnh nhân chỉ mới uống được 2 – 3 ngày thấy đỡ bệnh đã tự ý ngưng sử dụng thuốc kháng sinh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tính trạng kháng thuốc kháng sinh" – vị chuyên gia về hô hấp này nêu dẫn chứng.
Mối đe dọa đối với an ninh y tế
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho rằng, hiện nay vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong cộng đồng, người dân mua thuốc kháng sinh dễ "như mua rau" vì bán đầy ở các hiệu thuốc.
Do đó, kháng thuốc đang thực sự là một mối đe dọa đối với an ninh y tế công cộng tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu. Theo PGS.TS Khuê, trên thế giới mỗi năm có hàng chục nghìn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô la cho kháng thuốc.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp chống kháng kháng sinh. Đồng thời, kêu gọi các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cộng đồng cùng chung tay chấm dứt tình trạng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng sinh sai mục đích.
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghệp và Phát triển Nông thông bắt đầu đánh giá lại Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc nhằm đảm bảo sự hợp tác điều phối giữa các ban ngành trong việc phát triển kế hoạch hành động năm tới.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO cho hay, trong những năm tới, WHO sẽ tập trung củng cố vai trò của các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống lại việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích. WHO rất hoan nghênh việc Tổng hội Y học Việt Nam trở thành đối tác mới để thực hiện việc giáo dục, khuyến khích bác sĩ và dược sĩ sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý.