Mì ăn liền gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ em

ngày 01/11/2019

Theo báo cáo mới được các nhà khoa học làm việc cho Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố, chế độ ăn uống rẻ tiền, thiếu chất dinh dưỡng đã khiến nhiều trẻ em gặp tình trạng chán ăn hoặc các bệnh như béo phì và suy dinh dưỡng.

Tại các nước điển hình như Philippines, Indonesia và Malaysia, nền kinh tế của các nước này ngày càng lớn mạnh và mức sống của người dân cũng theo đó ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ do quá mải mê đi làm nên không có thời gian, hoặc thiếu nhận thức để tránh xa thực phẩm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con cái. Chính vì thế, trong nhiều trường hợp, họ đã chọn cho con cái ăn mì ăn liền.

“Do rẻ tiền nên các gói mì ăn liền chứa rất ít chất dinh dưỡng như sắt, protein, canxi, chất xơ nhưng lại có quá thừa chất béo và muối. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ lại có suy nghĩ đơn giản là làm sao để lấp đầy dạ dày của con cái họ mới là điều quan trọng nhất”, chuyên gia y tế cộng đồng Indonesia Hasbullah Thabrany cho biết.

Cũng theo báo cáo của UNICEF, ba quốc gia nói trên trung bình có đến 40% trẻ em từ 5 tuổi trở xuống bị suy dinh dưỡng, cao hơn mức trung bình toàn cầu của một phần ba.

UNICEF cho biết chế độ dinh dưỡng không phù hợp dẫn đến tác hại khôn lường cho trẻ, trong đó suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của trẻ em, đồng thời làm tăng nguy cơ tử vong sau khi sinh con đối với phụ nữ.

Mì ăn liền có thể gây hại đến sức khỏe, khiến trẻ mắc một số bệnh như béo phì, suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa

Đươc biết, theo thống kê của , theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, Indonesia là nước tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, với 12,5 tỉ khẩu phần trong năm 2018. Con số này nhiều hơn tổng số tiêu thụ của Ấn Độ và Nhật Bản cộng lại.

Ở các nước Đông Nam Á, mì ăn liền có ở mọi lúc mọi nơi, kể cả vùng sâu vùng xa. Các nhà sản xuất quảng cáo rầm rộ sản phẩm mì gói trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng như là một món ăn tiện lợi chứa nhiều dinh dưỡng nhưng trên thực tế không phải như vậy.

Một gói mì ăn liền hầu như không chứa bất kỳ một thành phần dinh dưỡng nào có lợi cho sức khỏe. Trong đó, lượng vitamin và canxi là gần như bằng 0, và chỉ có 4gr protein và 10% chất sắt.

Trước tình trạng này, các chuyên gia dinh dưỡng kêu gọi cần có sự can thiệp của chính phủ các nước Đông Nam Á để nâng cao nhận thức về việc tránh lạm dụng mì ăn liền cũng như có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn cho trẻ.

Ăn mì ăn liền như thế nào tốt cho sức khỏe?

Tiến sĩ Lê Bạch Mai, nguyên Viện phó Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mì ăn liền được xem là thực phẩm cơ bản trong bữa ăn, giống như cơm, bún, phở... Tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người mà kết hợp mì với các loại thực phẩm khác nhau để cân bằng dinh dưỡng và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.

Nên ăn kèm với các loại rau củ: Các loại rau củ có nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ tránh táo bón, không gây nóng trong người. Bạn nên bổ sung cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau má, rau muống, dưa leo, cà rốt, cà chua... vào trong tô mì của mình.

Ăn chung với thực phẩm giàu đạm: Để tô mì được cân đối về dinh dưỡng, người ăn nên bổ sung đầy đủ chất đạm động vật và thực vật như thịt bò, thịt heo, tôm, trứng, rong biển.

Một số mì gói được nhà sản xuất bổ sung thêm rau củ, thịt... giúp tăng giá trị dinh dưỡng và thay đổi khẩu vị người dùng.

Quy trình nấu: Ngoài việc phối hợp các loại thực phẩm khác, bạn nên lựa chọn và chế biến đúng cách để đảm bảo mì đủ dưỡng chất. Mỗi loại mì có quy trình nấu khác nhau, người dùng nên tuân theo chỉ dẫn của nhà sản xuất để giữ nguyên hương vị. Hầu hết lượng nước cho mỗi gói mì khoảng 400 ml và nấu 3 đến 5 phút để sợi mì vừa ăn và nước dùng đậm đà.


Nguồn: Báo Khỏe 365