Mướp đắng - loại quả tốt cho sức khỏe trong mùa hè

ngày 27/05/2024

Theo Đông y, mướp đắng còn có tên gọi khổ qua, có vị lạnh, tính đắng, có tác dụng thanh thử trừ nhiệt, giải độc... rất tốt dùng trong mùa hè.

1. Vì sao mùa hè nên tăng cường ăn vị đắng

Theo Đông y, mùa hè là mùa sinh trưởng của vạn vật, cũng là mùa dương khí thịnh vượng. Lúc này dương khí của trời hạ giáng, dương khí của đất thượng thăng, khí của trời đất tương giao vì vậy mà vạn vật mới có thể tốt tươi. Thân thể người là một trời đất thu nhỏ, tạng Tâm lại là tạng chủ hỏa nên mùa hè cũng là mùa "tâm khí hỏa vượng".

Đông y dưỡng sinh coi trọng sự cân bằng âm dương. Nếu vào mùa hè chúng ta không chú ý, đặc biệt lại ham ăn những thứ cay nóng, phát nhiệt rất dễ dẫn đến dương khí của cơ thể thiên thắng.

Đông y thường lấy vị đắng để bổ cho tạng tâm, chính là tả bớt tâm hỏa để ích cho tâm âm. Vì vậy để âm dương trong cơ thể giữ được trạng thái cân bằng vào mùa hè, chúng ta có thể ăn thêm một số loại thực phẩm có vị đắng. Một trong số những thực phẩm có vị đắng sẵn dùng cho mùa hè chính là mướp đắng.

2. Tác dụng của mướp đắng

- Mướp đắng thanh nhiệt giải độc

Theo Đông y, đa phần các vị thuốc có vị đắng đều có tác dụng thanh nhiệt. Mướp đắng có vị đắng cũng là một loại thực phẩm như vậy. Mướp đắng là loại thực phẩm có tính hàn, có thể trừ phiền nhiệt ở tâm, bài trừ nhiệt độc bên trong cơ thể.

Mùa hè nắng nóng nhiều, ra nhiều mồ hôi, nếu lại gặp những chuyện phải suy nghĩ nhiều chính là yếu tố thuận lợi cho hỏa khí thịnh vượng, hỏa nhiệt thịnh vượng, gây ra một số triệu chứng của thực nhiệt như mặt đỏ, mắt đỏ, hai giò má đỏ, nóng trong người, nhiệt miệng, tiểu tiện vàng, đỏ, tiểu ít, đại tiện táo…

Với những biểu hiện của thực nhiệt như vậy ăn những thực phẩm có vị đắng như mướp đắng chính là một giải pháp rất hiệu quả.

Muop-dang-1846-1658985865

Mướp đắng thanh nhiệt giải độc.

Hạ huyết áp

Mùa hè nóng bức chính là một yếu tố thuận lợi cho bệnh tăng huyết áp. Những người bị bệnh tăng huyết áp có thể cảm thấy các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, khó chịu, chóng mặt, nhức đầu tăng nặng, chỉ số huyết áp cũng theo thời tiết nóng bức mà tăng lên.

Mướp đắng là một loại quả có khả năng hạ huyết áp. Theo các nghiên cứu y học hiện đại, trong mướp đắng có chứa các hợp chất charantin, polypeptid-P và vicine có tác dụng giảm huyết áp. Vì thế đây cũng là thực phẩm được khuyến nghị cho các bệnh nhân tăng huyết áp.

Trị say nắng

Một trong những cấp cứu thường gặp trong mùa hè chính là say nắng. Say nắng Đông y còn gọi là chứng trúng thử, chứng này nếu không kịp thời cấp cứu thậm chí có thể để lại những hậu quả rất nặng nề.

Có thể dùng 1 quả mướp đắng tươi cạo sạch vỏ, cắt thành lát mỏng cùng khoảng 3g trà xanh, sắc nước cho người bệnh uống. Mướp đắng với tác dụng thanh thử chính là một loại dược liệu hữu hiệu giúp điều say nắng.

khong-su-dung-muop-dang-va-tra-xanh-cung-nhau

Mướp đắng có tác dụng trị say nắng.

Hạ đưng huyết

Mùa hè thời tiết nắng nóng có thể mất nước, mồ hôi ra nhiều dẫn đến máu trở nên cô đặc hơn, đây là yếu tố làm tăng nồng độ glucose trong máu, khiến khó kiểm soát đường huyết hơn, không có lợi cho người bệnh đái tháo đường.

Mướp đắng lâu nay đã được biết đến với tác dụng giúp hạ đường huyết. Loại quả này có một số đặc tính hoạt động giống như insulin, đưa glucose vào các tế bào để tạo ra năng lượng, giúp các tế bào sử dụng đường một các hiệu quả hơn.

Ngoài ra mướp đắng còn giúp ngăn chặn sự chuyển đổi các chất dinh dưỡng thành glucose trong máu, vừa giúp kiểm soát lượng đường trong máu, vừa giúp cơ thể không mất đi những chất dinh dưỡng quan trọng.

Chất lectin có trong mướp đắng qua việc tác động lên các mô ngoại vi giúp ngăn chặn sự thèm ăn từ đó cũng giúp làm giảm nồng độ glucose trong máu.

cach-dung-muop-dang-rung-tri-tieu-duong-4

Chất lectin trong mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết.

3. Cách sử dụng mướp đắng

Mướp đắng ngoài cách sử dụng như một loại thực phẩm dùng để xào, luộc, nấu canh còn có nhiều cách sử dụng khác như thái mỏng, phơi khô sao vàng để pha nước uống dần, hoặc sấy khô, nghiền bột uống cùng nước.

Đây vốn là những dạng bào chế truyền thống của Đông y nhưng cũng có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày, giúp việc sử dụng mướp đắng thuận tiện hơn.

Mặc dù có những tác dụng rất tốt với sức khỏe kể trên nhưng mướp đắng là một loại thực phẩm có tính hàn, vì vậy sẽ không thích hợp với những người có thể trạng hư hàn, tiêu hóa kém, phụ nữ có thai, người bệnh huyết áp thấp…
Nguồn: suckhoedoisong