Bác sĩ hướng dẫn xử trí khi bị dị vật bay vào mắt

ngày 22/05/2019

 Trong công việc hay trong sinh hoạt hàng ngày, có thể bạn sẽ bị dị vật vào mắt. Tính chất của dị vật rất đa dạng, ví dụ như hạt cát, hạt bụi, côn trùng, thực vật, mạt sắt,….Vị trí của chúng có thể chỉ ở kết mạc, giác mạc, hay thậm chí là xuyên thủng vào bên trong nhãn cầu. Vì vậy việc xử trí đúng là vô cùng quan trọng.

Dị vật bay vào mắt như côn trùng, bụi, phấn hoa... gặp khá phổ biến ở các cơ sở chuyên khoa mắt nhưng điều đáng nói là việc xử lý hầu hết đều không đúng cách. Khi dị vật bay vào mắt, phản ứng đầu tiên của nhiều người thường có phản xạ dụi mắt liên tục đến khi cảm thấy dễ chịu hơn hoặc nhờ người khác "thổi" dị vật ra ngoài. Tuy nhiên điều này sẽ khiến dị vật bị cọ xát mạnh với mắt làm rách giác mạc. Nếu chẳng may do dụi mạnh khiến côn trùng nát và mắc trong mắt càng khiến chúng tiết nhiều độc tố hơn, thậm chí lông của côn trùng có thể xuyên sâu rất khó lấy ra và gây viêm nhiễm, suy giảm thị lực.

Điển hình là trường hợp một nữ bệnh nhân 16 tuổi ở Hải Dương nhập viện tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong tình trạng mắt phải sưng nề, phù mắt đỏ, thị lực chỉ còn 3/10. Bệnh nhân cho biết lúc đang đi học về mất ngờ bị côn trùng bay vào mắt. Nữ sinh này đã dừng xe, nhờ bạn "thổi" vào mắt để côn trùng bay ra nhưng không được. Vì mắt cộm và khó chịu nên cô đã dụi mắt liên tục để côn trùng "trôi" ra nhưng do dụi mạnh quá, côn trùng bị nát trong mắt và bám vào màng mắt gây kích ứng. Về nhà, cô gái đã ra hiệu thuốc mua nước muối sinh lý và thuốc nhỏ mắt để nhỏ cho mắt bớt đỏ nhưng sau hơn 2 ngày tự chữa mắt nữ sinh này sưng vù nên được gia đình đưa tới bệnh viện. Theo các bác sĩ một số trường hợp bị côn trùng bay vào mắt nhưng do xử lý không đúng cách đã khiến bệnh nhân bị giảm thị lực. Vì vậy việc xử trí đúng là vô cùng quan trọng.

Chia sẻ về vấn đề này, theo BS Nguyễn Lê Huy Anh- Khoa Mắt- bệnh viện Quận Thủ Đức TPHCM khi dị vật  vào mắt cần  xử trí đúng theo  hướng dẫnsau:

Không nên

Không nên dụi mắt: Dụi mắt là phản ứng thường gặp để cố gắng đẩy dị vật ra. Tuy nhiên, hành động này sẽ gây ra nhiều tổn thương cho mắt. Nếu dị vật cứng như cát, mảnh sỏi, mảnh thủy tinh, dụi mắt khiến các dị vật này càng chà xát mạnh lên bề mặt giác mạc, gây xước giác mạc và tạo đường cho vi khuẩn, nấm xâm nhập. Nếu dị vật là côn trùng, hành động này khiến chúng tăng tiết nhiều độc tố. Dịch tiết của kiến ba khoang có thể làm bỏng giác mạc, mù lòa. Nếu dị vật là vôi bột, dụi sẽ khiến mắt bạn có thể bị bỏng hóa chất.

Nên đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt trong trường hợp bị dị vật bay vào mắt.

Nên:

 Rửa mắt bằng nước sạch: Nước sạch có thể làm trôi đi các dị vật bám nông trên bề mặt giác mạc hay kết mạc mà không gây ra thương tổn. Nước cũng làm trung hòa các loại hóa chất hay dịch tiết của côn trùng. Đối với hóa chất, khi rửa bạn cần cố kéo nhẹ mi trên lên, kéo mi dưới xuống để nước có thể lan đến cùng đồ vì đây là vùng dễ ứ đọng các dị vật và hóa chất. Đối với dị vật là vôi, bạn cần xối nhanh để tránh cho vôi có thể phản ứng với nước ngay khi còn ở trên nhãn cầu nhằm tránh làm tình trạng nặng lên.

 Gặp bác sĩ: Đặc biệt trong trường hợp thị lực giảm, mắt thấy cộm, chảy nước mắt nhiều, sợ ánh sáng hoặc dị vật có nguồn gốc nông nghiệp thì việc đến khám tại bác sỹ Nhãn khoa là bắt buộc. Việc tự điều trị tại nhà có thể gây ra rất nhiều sự nguy hiểm cho đôi mắt của bạn. Ví dụ: viêm loét giác mạc do vi trùng, viêm loét giác mạc do nấm, bỏng kết giác mạc,…. Có thể để lại biến chứng là giảm thị lực, thậm chí phải bỏ mắt.

Để phòng ngừa, dị vật vào mắt, trong quá trình lao động, đặc biệt là lao động công nghiệp có nguy cơ cao như ngành cơ khí, xây dựng, nhất thiết phải có kính bảo hộ hoặc khi ra đường nên đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi khói, bụi.

Nguồn SKĐS