Việc tự ý dùng kháng sinh trong điều trị đau mắt đỏ có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Vậy đau mắt đỏ khi nào cần dùng thuốc kháng sinh?
1. Tác dụng của thuốc kháng sinh trị đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) do vi khuẩn có thể được điều trị hiệu quả bằng các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ là virus, hầu hết bệnh do adenovirus gây ra. Bệnh thường kéo dài 7-10 ngày. Trong trường hợp này, thuốc kháng sinh thường không có tác dụng.
Thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt virus gây bệnh, chúng chỉ có hiệu quả trong các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc do virus kèm theo bội nhiễm vi khuẩn.
Thuốc kháng sinh trị đau mắt đỏ trong những trường hợp sau:
- Đau mắt đỏ có nguyên nhân do vi khuẩn
- Đau mắt đỏ do nguyên nhân khác nhưng bội nhiễm vi khuẩn
- Đau mắt đỏ không thuyên giảm trong vòng 1 tuần hoặc hơn.
- Các triệu chứng bệnh càng trầm trọng thêm.
- Có tiết dịch mủ hoặc nghi ngờ bội nhiễm do vi khuẩn...
2. Các thuốc kháng sinh thường dùng trị đau mắt đỏ
- Kháng sinh nhóm fluoroquinolon: Một số thuốc nhỏ mắt nhóm fluoroquinolone thường dùng là ofloxacin 0.3% (oflovid), levofloxacin (cravit 0.5%, 1.5%), ciprofloxacin 0.3% (ciloxan)... Các thuốc này có tác dụng diệt khuẩn phổ rộng (cả gram âm và gram dương), giúp giảm triệu chứng đau mắt đỏ.
- Kháng sinh nhóm aminoglycosid: Một số thuốc nhỏ mắt nhóm aminoglycosid thường dùng là tobramycin (tobrex 0.3%), neomycin (neocin)... Thuốc hoạt động thông qua ức chế sự tổng hợp protein của vi khuẩn, có tác dụng tốt trong điều trị đau mắt đỏ.
3. Tác hại khi lạm dụng thuốc kháng sinh trị đau mắt đỏ
Kháng sinh không phải là loại "vũ khí" phù hợp với tất cả nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt là những nguyên nhân do virus, dị ứng.
Đây là thuốc kê đơn nên chỉ dùng theo đơn của bác sĩ. Do đó, nếu tự ý dùng thuốc kháng sinh trị đau mắt đỏ khi chưa có chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa có thể xảy ra tình trạng dùng chưa đúng thuốc, bệnh không khỏi mà còn gặp tác dụng phụ của thuốc.
Một số tác dụng phụ của thuốc kháng sinh như khô mắt, mỏi mắt, tăng áp lực nội nhãn (cườm nước). Không những thế, việc tự ý dùng kháng sinh, lạm dụng kháng sinh còn có thể làm tăng nguy cơ nhờn thuốc, khiến vi khuẩn trở nên kháng kháng sinh.
4. Dùng kháng sinh trị đau mắt đỏ sao cho an toàn?
Để dùng thuốc kháng sinh trị đau mắt đỏ an toàn, người bệnh cần tuân thủ:
- Không tự ý dùng thuốc kháng sinh nhỏ mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian dùng thuốc.
- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân (lọ thuốc nhỏ mắt, mắt kính, khăn lau mặt, khẩu trang…), khử trùng các vật dụng trong nhà.
- Nếu chưa thể đi khám bác sĩ ngay, có thể sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) rửa mắt liên tục để loại trừ mủ và dịch mắt. Để giảm bớt tình trạng viêm và khô mắt do đau mắt đỏ, có thể nhỏ nước mắt nhân tạo hoặc sử dụng gạc lạnh.
- Không dùng tay dụi mắt vì có thể gây kích thích phản ứng viêm mạnh hơn và cũng tạo điều kiện cho việc xâm nhập của virus, vi khuẩn.
- Ngưng đeo kính áp tròng cũng như trang điểm mắt cho đến khi không còn triệu chứng đau mắt đỏ nữa.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh.
- Hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị đau mắt đỏ.
Nguồn: suckhoedoisong