Ấn Độ đã trải qua ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận số người nhiễm ngày sau cao kỷ lục hơn ngày trước.
Hàng ngàn người chết, hàng trăm ngàn người nhiễm mỗi ngày
Số ca nhiễm được ghi nhận trong ngày 26-4 là gần 353.000. Số người chết ghi nhận trong ngày 26-4 cũng ở mức kỷ lục trước nay: 2.812.
Tính đến sáng 27-4 Ấn Độ đã ghi nhận hơn 17,6 triệu ca nhiễm trong đó gần 199.000 người chết, theo số liệu từ trang web thống kê Worldometers.
Hệ thống y tế càng thêm quá tải, tình trạng thiếu oxy y tế và giường bệnh thêm nghiêm trọng. Nhiều bệnh viện và bác sĩ ở một số bang phía bắc ra thông báo khẩn rằng họ không còn khả năng tiếp nhận người bệnh.
Tại các địa phương dịch nặng, người sống vẫn phải thiêu thi thể người chết vì COVID-19 hàng loạt một cách vội vã, bỏ qua các bước nghi lễ vốn rất quan trọng với người Hindu.
Huy động cả y tế quân đội
Ngày 26-4, Ấn Độ đã phải huy động đến sự hỗ trợ của quân đội giúp xử lý đợt bùng phát dịch nguy hiểm hiện tại, hãng tin Reuters cho biết.
Gặp Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi ngày 26-4, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Bipin Rawat cho biết oxy y tế từ trong kho dự trữ của quân đội sẽ được chuyển đến các bệnh viện, đồng thời các quân y về hưu sẽ được huy động hỗ trợ các bác sĩ cứu chữa bệnh nhân.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể tận dụng cở sở hạ tầng y khoa của quân đội để cứu chữa người bệnh.
Thủ tướng Modi cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden về khủng hoảng dịch của nước mình và bàn về chuyện Mỹ sẽ cung cấp nguyên liệu thô cho Ấn Độ sản xuất vaccine và thuốc điều trị.
Hiện Mỹ, Anh, Pháp, Đức… đang gấp rút chuyển thiết bị y tế sang giúp Ấn Độ vượt qua khủng hoảng.
Nga sẽ bắt đầu chuyển cho Ấn Độ 50 triệu liều vaccine Sputnik V mỗi tháng, bắt đầu từ mùa hè này, Điện Kremlin thông báo.
WHO: Hơn cả đau lòng
Họp báo ngày 26-4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong chua xót rằng tình hình dịch hiện tại ở Ấn Độ là “hơn cả đau lòng”.
Ông Tedros cho biết WHO sẽ gửi chuyên gia và thiết bị, vật tư y tế như máy trợ thở, giường di động, thiết bị thí nghiệm sang Ấn Độ giúp chống dịch.
“WHO sẽ làm tất cả những gì chúng tôi có thể, cung cấp các thiết bị và vật tư cần thiết” – ông Tedros nói.
WHO cũng cho biết đã yêu cầu hơn 2.600 chuyên gia mà tổ chức này đã gửi đến Ấn Độ theo hàng loạt chương trình y tế - trong đó có bại liệt và lao – tạm chuyển sang hỗ trợ nhà chức trách y tế Ấn Độ đối phó dịch COVID-19.
Ông Tedros ngày 26-4 bày tỏ lo ngại về thực tế số ca nhiễm mới toàn cầu tăng liên tục 9 tuần qua. Mỹ vẫn là nước bị dịch ảnh hưởng nặng nhất, với gần 33 triệu ca nhiễm trong đó hơn 586.000 người chết. Thứ hai là Ấn Độ. Tiếp theo đó là Brazil và Mexico.