Hiện có 3 trẻ ở Đông Nam Á tử vong do viêm gan, nên nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra, chuyên gia nhấn mạnh một số triệu chứng cần để ý.
Dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan bí ẩn, tuy vậy, trước nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập, Bộ Y tế cho biết đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới;
(Ảnh minh họa)
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.
Trước đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Pasteur TP.HCM; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Các đơn vị trên cũng được yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới, bệnh này xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan. Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.
Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E).
Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên, các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa Nhi tăng cường phát hiện các trường hợp trẻ bị viêm gan cấp.
Các bệnh viện cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành kỹ thuật xét nghiệm PCR, kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như virus Adeno và các tác nhân khác (nếu có).
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện cho biết, Bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan song nằm trong nhóm liên quan đến trẻ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C) sau mắc Covid-19, chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến Adenovirus.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khả năng virus vào Việt Nam là rất cao và khó tránh khỏi. Do đó các bác sỹ, nhân viên y tế cần cảnh giác để phát hiện và báo cáo ca bệnh, cập nhật thông tin trên thế giới cha mẹ theo dõi triệu chứng ở trẻ, đặc biệt là vàng da vàng mắt, giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Ý kiến của chuyên gia truyền nhiễm Trương Hữu Khanh thì cho rằng, nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn khả năng cao do virus Adeno 41.
So với tốc độ lây nhiễm Covid-19 thì tỷ lệ nhiễm bệnh này rất thấp, dàn trải, chứng tỏ có yếu tố cơ địa đặc biệt. Chẳng hạn, trẻ suy giảm miễn dịch hoặc từ nhỏ không có miễn dịch với virus adeno 41.
"Bệnh lây qua đường hô hấp nhưng không phải tất cả em bé tiếp xúc với virus đều nhiễm bệnh, tỷ lệ nhiễm bệnh rải rác. Do đó việc có thể làm là phát hiện sớm để điều trị chứ không có biện pháp ngăn ngừa như cách ly", chuyên gia nhận định.
Theo bác sĩ Khanh, hiện ở Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh, nhưng khả năng vào Việt Nam là hoàn toàn có thể; nếu có thì nó sẽ xuất hiện rải rác, nhiệm vụ của các cơ quan y tế là phát hiện sớm, điều trị. Virus Adeno 41 không thể gây ra dịch do đó không nên hoang mang. Phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn, uống thuốc nghỉ ngơi, ăn uống theo chế độ bệnh suy gan, nặng hơn thì lọc gan, ghép gan.
Hiện có ba trẻ ở Đông Nam Á đã tử vong do viêm gan, nên nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, chuyên gia nhấn mạnh một số triệu chứng mà các bậc cha mẹ cần phải theo dõi.
Đầu tiên, trẻ nhiễm Adenovirus sẽ có triệu chứng đau bụng dữ dội, sốt, nước tiểu sậm màu hay phân nhạt màu. Triệu chứng rõ nhất cần cảnh giác là vàng da hay vàng mắt.
Do Adenovirus vừa lây theo đường hô hấp, đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp nên việc tuân thủ các biện pháp vệ sinh thông thường lây nhiễm theo đường hô hấp như đeo khẩu trang, không tụ tập, giữ khoảng cách là quan trọng.
“Trong thời điểm này, nên lưu ý thêm những biện pháp vệ sinh truyền theo đường tiêu hóa vì Adenovirus chủ yếu lây qua cả hô hấp, tiêu hóa. Gia đình cần hướng dẫn các con em tiếp tục giữ vệ sinh như rửa tay thường xuyên sau khi đi vệ sinh, không ăn uống chung”, chuyên gia khuyến cáo.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, các phụ huynh nên cho con mình đi tiêm vắc-xin Covid-19. Trẻ tiêm chủng tốt có ưu điểm sẽ giảm sự đột biến của virus trong tương lai.
Tổ chức Y tế Thế giới thống kê, đến ngày 7/5, có khoảng 278 trẻ mắc viêm gan cấp tính bí ẩn ở 20 nước, 9 trường hợp tử vong.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-ve-dich-benh-ngay-95-chu-y-cac-dau-hieu-cua-benh-viem-gan-bi-an-o-tre-d165459.html