Có nên lo lắng khi chưa từng mắc Covid-19?

ngày 31/03/2022

Một số người vẫn chưa mắc Covid-19 dù từng tiếp xúc nhiều lần F0. Đôi khi, họ có thể đã nhiễm bệnh nhưng không xét nghiệm do không có triệu chứng.

Khi đang đi dạo gần nhà ở Sao Paulo (Brazil), tiến sĩ Mayana Zatz gặp người phụ nữ hàng xóm và được biết chồng cô ấy đang điều trị Covid-19 có triệu chứng tại nhà. Người phụ nữ này cũng tự chăm sóc cho chồng, có lúc không đeo khẩu trang, nhưng may mắn lại không bị lây nhiễm virus.

Theo New York Times, trong những tuần sau đó, tiến sĩ Zatz, nhà di truyền học tại Đại học Sao Paulo (Brazil), không thể ngừng nghĩ về người hàng xóm của mình. Tại sao cô ấy không mắc bệnh? Có lẽ nào cô ấy đã tránh được nhiễm trùng hoàn toàn? Hay đơn giản là cô ấy ít bị ảnh hưởng bởi SARS-CoV-2?

Xuất hiện trên truyền hình, vị chuyên gia về di truyền học đã dẫn về trường hợp này. Trước sự ngạc nhiên của mình, cô đã nhận được hàng nghìn email chia sẻ điều tương tự. Chuyên gia này nhận thấy rằng thực tế, câu chuyện về người hàng xóm của cô không quá bất thường.

Suốt hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến các quốc gia trên toàn thế giới với số ca mắc và tử vong cao. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người chưa từng mắc Covid-19 dù sống trong cùng môi trường và điều kiện với người bệnh.

Vậy điều gì khiến những người này trở nên "bất khả chiến bại" trước loại virus truyền nhiễm này dù đã tiếp xúc với nó?

Rất nhiều người chưa bị nhiễm SARS-CoV-2 dù đã tiếp xúc nhiều lần với bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tại sao một số người chưa nhiễm SARS-CoV-2?

Đây là những người may mắn cho đến thời điểm này không bị nhiễm loại virus mà đến nay đã lây nhiễm cho hơn 485 triệu người trên toàn thế giới.

Theo India Times, nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho thấy có một số người có lượng tế bào T cao hơn, đây là loại tế bào ghi nhớ trong hệ thống miễn dịch, được phát triển từ khi nhiễm virus cảm lạnh thông thường khác. Và những người này cho thấy khả năng miễn dịch chống lại virus gây ra Covid-19.

Tiến sĩ Rhia Kundu, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, nói với CNBC: "Chúng tôi phát hiện ra rằng mức độ cao của các tế bào T tồn tại từ trước, được tạo ra bởi cơ thể khi bị nhiễm virus corona gây bệnh khác như cảm lạnh thông thường, có thể bảo vệ chống lại Covid-19".

Nghiên cứu cho thấy mặc dù tất cả virus corona hoạt động khác nhau, chúng vẫn có một số đặc điểm giống nhau nhất định. Có thể do sự giống nhau này mà các tế bào miễn dịch "hiểu lầm" và ngăn chặn ngay khi cơ thể tiếp xúc virus. Đó có thể là lý do một số người không bị mắc Covid-19.

Theo The Guardian, cũng có quan điểm này, tiến sĩ Zania Stamataki, giảng viên và nhà nghiên cứu về miễn dịch học virus tại Đại học Birmingham (Anh), nhận định một số người có thể loại bỏ virus nhanh chóng vì cơ thể của họ có sẵn các kháng thể và tế bào miễn dịch trí nhớ có thể nhận ra virus.

Bên cạnh đó, chúng ta đều biết nhiều bệnh nhân Covid-19 không có bất kỳ triệu chứng nào. Cho đến nay, xét nghiệm là cách duy nhất để phân biệt giữa người có và không triệu chứng. Tuy nhiên, nhiều người không xét nghiệm vì họ không xuất hiện triệu chứng sau khi tiếp xúc bệnh nhân Covid-19. Điều này có nghĩa là có thể họ đã mắc bệnh nhưng không xét nghiệm.

Ngoài ra, lý do khác giải thích một số người không bị ảnh hưởng bởi SARS-CoV-2 có thể là gene của họ. Yếu tố di truyền đóng vai trò trong việc xác định tính nhạy cảm của một người với Covid-19. Các nhà nghiên cứu nhận định hoạt động của kháng nguyên bạch cầu của con người quyết định phản ứng với SARS-CoV-2.

"Các gene quan trọng kiểm soát phản ứng miễn dịch của con người được gọi là kháng nguyên bạch cầu người hoặc gene HLA. Chúng quan trọng đối với việc xác định phản ứng của bạn khi gặp phải SARS-CoV-2. Chẳng hạn, những người có gene HLA-DRB1*1302 có nhiều khả năng bị nhiễm trùng có triệu chứng hơn đáng kể", Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Imperial London (Anh) chia sẻ.

Nên lo lắng hay an tâm khi chưa từng mắc Covid-19?

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ may mắn cho đến thời điểm này? Nếu bằng cách nào đó, bạn vẫn không bị ảnh hưởng bởi virus có nghĩa là bạn mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc đã được miễn dịch.

Tuy nhiên, dù có bị nhiễm virus truyền nhiễm này hay không, bạn cũng không được cho rằng mình "bất khả chiến bại". SARS-CoV-2 vẫn luôn đột biến và không thể nói chắc chắn loại virus đột biến tiếp theo sẽ ảnh hưởng cơ thể chúng ta như thế nào.

Đến nay, tiêm vaccine Covid-19 vẫn là giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa virus ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Ảnh: Businessinsider.

Cho đến nay, tiêm chủng chỉ là "áo giáp" hữu hiệu nhất để chống lại virus. Có thể là do tiêm vaccine, biến chủng Omicron không thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người. Để bảo vệ chống lại virus, mọi người chắc chắn cần phải được chủng ngừa.

Ngoài ra, không chỉ tiêm đủ liều cơ bản, mỗi người cũng nên tiêm nhắc lại khi cần thiết. Có phải những người "không mắc Covid-19" này không bị nhiễm virus và do được tiêm phòng sớm, cơ thể của họ đã phát triển khả năng miễn dịch mà virus khó có thể xâm nhập? Giả thiết này cũng có thể là một khả năng khi Covid-19 vẫn là căn bệnh có nhiều bí ẩn chưa được giải đáp.

Các nhà khoa học và nhiều nghiên cứu xác nhận về hiệu quả của vaccine Covid-19. Mức độ nghiêm trọng hơn và tỷ lệ nhập viện thấp trong đợt Omicron được cho là do các chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới.

Ngoài tiêm chủng, mọi người nên đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách hợp lý và tuân thủ thói quen vệ sinh lành mạnh. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị nhiễm virus như nhau và không ai có khả năng miễn dịch với nó.

Nguồn: https://zingnews.vn/co-nen-lo-lang-khi-chua-tung-mac-covid-19-post1301184.html