'Chưa có bệnh nhân nào khỏi ung thư bằng thực dưỡng'

ngày 02/12/2019

Liên quan tới việc nhiều bệnh nhân ung thư bỏ phác đồ điều trị để tự chữa bệnh theo các phương pháp truyền miệng, đồn thổi, trong đó có phương pháp ăn theo chế độ thực dưỡng, nhiều chuyên gia đầu ngành ung bướu đã lên tiếng phản đối.

Người bệnh ung thư muốn khỏe phải ăn

GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mới đây cũng chia sẻ bản thân không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh một số người bệnh sau khi nhận được thông báo kết quả của bệnh viện thì bỏ mọi phác đồ điều trị để về ăn theo chế độ “bỏ đói tế bào ung thư”, sau đó, tu luyện theo một pháp môn nào đó.

Kết quả, khi trở lại bệnh viện, người bệnh đó rơi vào tình trạng suy kiệt nặng. Nhiều bệnh nhân lúc phát hiện mới ở giai đoạn rất sớm có nhiều cơ hội điều trị, nhưng khi quay trở lại, họ đã vào giai đoạn 3-4, thậm chí, giai đoạn cuối trên một thân thể suy kiệt. Lúc này, thay vì áp dụng phác đồ điều trị, các bác sĩ lại phải chống suy kiệt bằng việc truyền đạm, đường, các chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Đặc biệt, không ít người đã mất mạng do suy kiệt trước khi bị chết vì ung thư.

GS Khoa nhấn mạnh: “Mọi việc cần dựa trên thực chứng và được kiểm chứng rõ ràng. Trong y học hiện đại, dinh dưỡng lâm sàng được coi là phương pháp điều trị phối hợp cùng với thuốc và các phương pháp điều trị khác. Quan điểm bỏ đói tế bào ung thư dẫn đến người bệnh bị suy kiệt là nhận thức không đúng. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của vấn đề”.

Theo chuyên gia này, người bệnh cần có cơ thể khỏe mạnh mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt. Khi chúng ta khỏe mạnh mới có các tế bào miễn dịch khỏe mạnh đủ khả năng phát hiện, ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, trong đó có tế bào ung thư.

Bên cạnh đó, bản thân tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và chúng sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị….

“Vì vậy, người bệnh và gia đình người bệnh không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian để rồi đánh mất cơ hội điều trị chính thống ngay từ giai đoạn vàng”, chuyên gia khuyến cáo.

Để có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, người bệnh cần cơ thể đủ khỏe. Muốn vậy, người bệnh cần một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học, đủ chất. Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc và các phương pháp điều trị đặc hiệu, dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong liệu trình điều trị bệnh nói chung và đặc biệt đối với người bệnh ung thư.

“Cần phải coi ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, khoa học là một phần không thể thiếu trong việc phòng và chống ung thư”, GS Khoa nhấn mạnh.

GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: PV.

Nhiều phương pháp trị ung thư hiệu quả

GS Khoa cho biết thêm bên cạnh các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị nội tiết, điều trị đích, gần đây, có thêm một phương pháp mới là điều trị miễn dịch. Điều trị miễn dịch tức là giúp các tế bào miễn dịch (tế bào T…) của hệ thống miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào khối u. Đây là phương pháp điều trị gián tiếp.

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho hay trước đây, ung thư được xem là “con ngáo ộp” bởi khi phát hiện, bệnh đã trong giai đoạn di căn. Đồng thời, kỹ thuật chẩn đoán cũng như các thế hệ thuốc điều trị lạc hậu không giúp ích nhiều cho người bệnh.

Ở Việt Nam, từ năm 2010, y học đã có tiến bộ rõ rệt trong chẩn đoán cũng như điều trị ung thư. Các xét nghiệm theo dõi tốt và chính xác hơn nhiều, giúp bác sĩ nắm được đường đi của tế bào ung thư tốt hơn.

“Ung thư có khỏi được không? Khỏi được, nếu chúng ta phát hiện sớm. Phát hiện càng sớm càng dễ điều trị và đỡ tốn kém tiền của. Đã có tuyên bố ung thư vú, buồng trứng và cổ tử cung là bộ 3 nếu phát hiện sớm và phối hợp điều trị sớm, có thể tự tin khỏi bệnh hoàn toàn. Còn các ung thư khác, cũng cải thiện rất tốt. Việc bỏ lỡ thời gian vàng để điều trị là một điều đáng tiếc”, bác sĩ Hùng khẳng định.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, ung thư không phải căn bệnh khủng khiếp như nhiều người đang lo sợ. Nếu người dân có lối sống lành mạnh và phát hiện bệnh sớm, đa phần đều có thể chữa khỏi.

“Hiện tại, chúng ta có rất nhiều kỹ thuật để điều trị ung thư, bao gồm nội khoa, hóa, xạ trị, i-ốt, điều trị miễn dịch chuyển giao từ nước ngoài. Bộ Y tế đang giao các bệnh viện đầu ngành để chuyển giao những kỹ thuật tiên tiến về ung thư”, PGS Khuê cho hay.


Nguồn: Báo Zing