Ngay trong quá trình điều trị COVID-19, các bệnh nhân đã được kỹ thuật viên tập phục hồi chức năng trong tất cả các giai đoạn điều trị, kể cả khi đang thở máy trong phòng chăm sóc đặc biệt. Nhờ vậy, nhiều F0 phục hồi sức khỏe sớm.
Can thiệp điều trị sớm
Cứ mỗi buổi sáng, trong phòng ICU khu điều trị COVID-19 Bệnh viện Phục hồi Chức năng 1A, TP.HCM, bà Nguyễn Thị Nước, 69 tuổi, được các kĩ thuật viên giúp bệnh nhân tập từng động tác: gập gối, ngồi, đứng, nhấc từng bước chân. Trước đó, bà Nước đột ngột khó thở, bị suy hô hấp sau 5 ngày nhập viện do mắc COVID-19. Bà được thở mask, sau đó lại phải thở máy oxy liều cao… Đến nay, sau quá trình được phục hồi chức năng, bệnh nhân đã ngồi, đứng vững hơn, được tập các bài tập hỗ trợ khác và chuyển sang khoa điều trị sau COVID-19.
Bệnh nhân vừa điều trị COVID vừa được phục hồi chức năng tại Bệnh viện 1A.
"Bây giờ bà đã khỏe hơn nhiều, sắp được xuất viện về nhà, ở đây bà cũng đi được khoảng 5-10 vòng. Các nhân viên tập vật lý trị liệu cũng hỗ trợ để bà phục hồi nhanh hơn"- chị Trần Kiều Nương, người thân của bệnh nhân cho biết.
Bác sĩ Calvin Q Trịnh, Bệnh Phục hồi chức năng 1A (TP.HCM) cho biết, các trường hợp nhập viện điều trị vì mắc COVID-19 thể nặng như bệnh nhân Nước cần phải được chăm sóc phục hồi chức năng về thể chất và nhận thức ngay trong quá trình điều trị bệnh, để hạn chế các tác động gây hại của virus lên cơ thể và tinh thần. Điều này cũng được CDC, WHO khuyến cáo và các bệnh viện khắp nơi trên thế giới áp dụng.
Nhiều bệnh nhân sau COVID-19 có hệ cơ bao gồm nhóm cơ hô hấp sẽ tiếp tục bị yếu đi và cơ thể suy nhược trong một thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn và để lại di chứng tàn tật. Nếu được điều trị phục hồi chức năng tốt sẽ giúp bệnh nhân được xuất viện sớm, tình trạng bệnh không xấu đi sau khi xuất viện và giảm nguy cơ tái phát, điều này rất quan trọng trong bối cảnh thiếu giường bệnh.
Được phục hồi chức năng kịp thời để hạn chế các tác động gây hại của virus lên cơ thể và tinh thần.
Theo Bác sĩ Hoàng Tường, công tác tại Bệnh viện 1A, người trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, tất cả các bệnh nhân từ nhẹ đến nặng đều được áp dụng phương pháp phục hồi chức năng ngay tại giường bệnh. Tùy vào mức độ bệnh, thể lực của mỗi bệnh nhân mà có các bài tập khác nhau.
"Bệnh nhân nhẹ có thể tự tập hoặc tập theo nhóm thông qua video hoặc là thông qua người hướng dẫn. Bệnh nhân mức độ trung bình có thể được hỗ trợ tập thở, tập tống đàm, tập vận động. Những bệnh nhân nặng thở máy thì nên được kỹ thuật viên hỗ trợ tống đàm nhớt, tập mạnh cơ hô hấp, tập xoay trở chống loét…"- BS Calvin Q Trịnh cho biết.
Cứu những lá phổi
Theo Cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền, Bệnh viện Chợ Rẫy, đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, TP. Thủ Đức), trong cuộc đua giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19 thì việc tập thở, giúp mỗi người đi qua thời khắc nặng nhọc có vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy, nhu cầu được tập vật lý trị liệu của bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 rất nhiều, đó là những ca nặng và nguy kịch. Lực lượng vật lý trị liệu tại đây gồm 3 nhân viên của Bệnh Chợ Rẫy, cùng sự hỗ trợ của 6 sinh viên của Đại học Hồng Bàng và được chi viện 6 nhân viên y tế từ miền Bắc, nỗ lực phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Việc tập vật lý trị liệu được áp dụng nhằm hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân thở máy; hỗ trợ tập thở cho bệnh nhân phải thở oxy dòng cao; thở oxy bình thường… Cụ thể, những bệnh nhân đang thở máy sẽ hỗ trợ đào thải đờm nhớt, giúp bệnh nhân sớm cai máy. Các trường hợp thở oxy dòng cao (là ranh giới giữa thở máy và thở oxy), sau khi được hỗ trợ, bệnh nhân sẽ sớm thở oxy thông thường để nhanh được xuất viện hơn.
Với kinh nghiệm từng trực tiếp hỗ trợ tập thở cho bệnh nhân 91 (là phi công người Anh từng mắc COVID-19 nặng tại Việt Nam vào năm 2020), ông Trương Văn Hiền cho biết, căn bệnh COVID-19 gắn chặt với các lá phổi, khi bệnh nhân kêu khó thở là có thể cảm nhận được ngay đang ở mức độ nào để có phương pháp tập… Từ đó giúp ngăn chặn bệnh chuyển biến xấu, nhanh chóng hồi phục.
Bệnh viện Thống Nhất là nơi có khoa Hồi sức và phục hồi hức năng cho bệnh nhân hậu COVID-19 đầu tiên.
Việc tập này ngăn chặn rất hiệu quả sự biến chứng nặng của phổi, tránh sự đông cứng của lá phổi. Mục đích cao nhất là giúp bệnh nhân tự thở được, đưa bệnh nhân từ nằm im đến tự vận động. Đó là lý do mà dù đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng ông Trương Văn Hiền vẫn không nghỉ ngơi, tiếp tục hỗ trợ liên tục cho bệnh nhân.
"Với bệnh nhân COVID thì đặc biệt virus tập trung tấn công vào phổi. Thành ra là chỉ cần coi phim chụp thì mình sẽ biết được chỗ nào bị tổn thương, để tập trung vào điều trị chỗ đó, tập trung lưu thông được không khí thì bệnh nhân sẽ dễ chịu hơn"- Cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền cho biết.
Hành trình quay trở lại cuộc sống bình thường của mỗi bệnh nhân COVID-19 khác nhau, trải qua tình trạng bệnh khác nhau, di chứng để lại trong lúc chống chọi với bệnh tật cũng khác nhau. Trước những biến chứng về thể chất lẫn tinh thần của bệnh nhân COVID-19 sau thời gian điều trị, đầu tháng 9, Bệnh viện Thống Nhất đã thành lập khoa Hồi sức và phục hồi chức năng cho bệnh nhân hậu COVID-19, với mục tiêu giúp cho các bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 nhanh chóng hồi phục sức khỏe và các chức năng sinh hoạt, sớm trở lại đời sống và công việc thường ngày./.
Nguồn vov.vn