Biểu hiện chung của rối loạn tự kỷ là những khiếm khuyết về ngôn ngữ, tương tác xã hội, giao tiếp và những hành vi định hình cùng với ý thích bị thu hẹp. Bên cạnh đó, trẻ thường có những rối loạn đi kèm về cảm giác và các triệu chứng tăng động, giảm chú ý, động kinh, chậm phát triển…. Và "giai đoạn vàng" để điều trị cho trẻ tự kỷ thường là từ 2 – 4 tuổi. Khi trẻ được 12 – 18 tháng tuổi có thể phát hiện được những dấu hiệu khác lạ và khi trẻ 2 tuổi có thể chẩn đoán chính xác trẻ có bị tự kỷ hay không, ở mức độ như thế nào. Vì thế, các bậc cha mẹ cần nhận biết sớm dấu hiệu nghi ngờ của hội chứng tự kỷ và đưa con đến bệnh viện – các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, chẩn đoán sớm, can thiệp sớm.
Theo Thạc sĩ Đặng Thị Chuyên - Trưởng Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ, cha mẹ có thể phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ qua các dấu hiệu như: Trẻ không bập bẹ khi 12 tháng tuổi; Không biết ra hiệu (chỉ tay, vẫy tay, bắt tay…) khi 12 tháng tuổi; Không nói từ đơn khi 16 tháng tuổi; Không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng tuổi ; Mất kỹ năng ngôn ngữ hoặc kỹ năng giao tiếp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Trẻ thường thiếu đáp ứng khi gọi tên; khó khăn với chú ý đồng thời (hiếm khi chỉ đồ vật cho người khác, hiếm khi đưa đồ vật cho người khác); kém giao tiếp mắt; thiếu hứng thú với đồ chơi và không tham gia chơi với trẻ khác cùng độ tuổi; thường có khó khăn về cảm giác, vận động….
Tại Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ, trung bình mỗi năm, tiếp nhận khám, phát hiện, điều trị hàng trăm lượt trẻ tự kỷ. Với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với nghề, cơ sở vật chất hiện đại, hiện, Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ đưa vào rất nhiều biện pháp để phục hồi chức năng tâm lý cho trẻ tự kỷ nói riêng và trẻ rối loạn phát triển nói chung. Trong đó, các biện pháp tâm lý tập trung vào phát triển ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp, giảm hành vi… Tại Khoa Tâm lý lâm sàng, các phương pháp can thiệp chủ yếu được sử dụng như phương pháp PECS, TEACH, ABA kết hợp… Bằng các liệu pháp kỹ thuật, bác sĩ tâm lý luôn kiên trì, nhẫn nại, nhẹ nhàng, thân thiện để giúp bệnh nhi dần ổn định.
Cũng theo Thạc sĩ Đặng Thị Chuyên, sự phối hợp của phụ huynh rất quan trọng trong quá trình điều trị hội chứng tự kỷ ở trẻ. Phụ huynh và các thành viên khác trong gia đình cần cho con cùng tham gia trong mọi hoạt động, chơi tương tác cùng con, ngang tầm mắt trẻ, dạy chỉ ngón vào đồ vật mà trẻ muốn khi trẻ nhìn vào đồ vật ... Cha mẹ nên dành nhiều thời gian bên con. Khi trẻ hoàn thành một nhiệm vụ hoặc làm một việc có ích, cha mẹ nên khen bằng lời nói hoặc thưởng cho trẻ một phần quà nhỏ để trẻ có động lực phát huy tiếp.
Cùng với sự phối hợp của gia đình bệnh nhi, trong những năm qua, nhiều bệnh nhi đã được điều trị thành công, Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ luôn là địa chỉ tin cậy của những gia đình có trẻ tự kỷ.
Khi trẻ có các biểu hiện ở trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần để được phát hiện và can thiệp kịp thời.
nguồn: suckhoedoisong