Nhiều nghiên cứu với dữ liệu lớn cho thấy rằng ngoài các triệu chứng gây khó chịu về hệ hô hấp, ở những bệnh nhân hậu COVID-19 còn gặp phải những chứng bệnh về tim mạch, cho dù họ có bệnh tim trước đó hay không.
1.Biến chứng tim mạch hậu COVID-19
NỘI DUNG::
1.Biến chứng tim mạch hậu COVID-19
2.Phục hồi chức năng tim hậu COVID-19
3.Lời khuyên cho bệnh nhân hậu COVID-19 trong chăm sóc sức khỏe tim mạch
Các chuyên gia sức khỏe về tim mạch đã lưu ý rằng bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục vẫn còn bị các biến chứng kéo dài, có khi nghiêm trọng và cần phải được hỗ trợ theo dõi và điều trị liên tục sau đó. Các dấu hiệu như cảm thấy khó thở nhẹ, thở thiếu hơi, mệt ở ngực hay gặp, đặc biệt có thể bị viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim cũng như một số bệnh khác của cơ tim.
Với việc sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ tim mạch (CMR), một nghiên cứu từ tháng 4 đến tháng 6/2020 ở Đức đã báo cáo cho thấy, 78% người sống sót sau COVID-19 bị ảnh hưởng về tim mạch, trong đó có tới 60% người bị viêm cơ tim tái diễn nhiều lần. Một nghiên cứu khác áp dụng siêu âm tim ghi nhận có tổn thương chức năng tâm trương thất trái (LV) và tâm trương thất phải (RV). Các bệnh khác bao gồm suy giảm chức năng hô hấp, suy giảm chức năng tim của bệnh nhân sau COVID-19 vẫn còn kéo dài.
Một nghiên cứu cho biết, 78% người sống sót sau COVID-19 bị ảnh hưởng về tim mạch.
Các triệu chứng của COVID-19 tồn tại sau nhiều tháng làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bệnh nhân. Một số triệu chứng như đau đầu, khó thở, đau nhức cơ bắp, xoàng đầu, ho kéo dài, mất khứu giác và vị giác hay gặp ở đối tượng này.
Việc gia tăng nguy cơ tổn thương tim mạch và có ảnh hưởng lâu dài ở bệnh nhân sau mắc COVID-19 là hiện thực. Vì thế người bệnh rất cần chăm sóc y tế về nhiều lĩnh vực nhất là sau bị nhiễm COVID-19, giúp người bệnh phục hồi tốt hơn, tránh những di chứng có thể có, đặc biệt về tim mạch.
Nếu không có các biện pháp thích hợp, tuổi thọ của bệnh nhân sau COVID-19 sẽ giảm đáng kể so với dân số bình thường chung. Hơn nữa, hiệu ứng kéo dài của bệnh sẽ tiếp tục xảy ra ở một số người, dẫn đến sức khỏe tim mạch suy giảm dần. Vì vậy phải có sự chăm sóc liên tục cho bệnh nhân sau COVID-19.
2.Phục hồi chức năng tim hậu COVID-19
Trên thế giới, một số nước đã thực hiện việc này. Ngoài được thăm khám uống thuốc theo đơn sau khi ra viện, bệnh nhân được lập một kế hoạch chăm sóc phục hồi chức năng tim (cardiac rehabilitation care – CRC). Nhiều nghiên cứu dựa trên bằng chứng đã chứng minh tính hữu ích của các chương trình CRC và mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân.
Bệnh nhân tập phục hồi chức năng
Những bệnh nhân tham gia chương trình phục hồi chức năng tim mạch - CRC, sẽ giảm được các yếu tố nguy cơ, tăng năng lực chức năng tim, tăng chất lượng cuộc sống. Đây là một phương pháp tiếp cận lấy bệnh nhân làm trung tâm, cung cấp kiến thức sức khỏe, thay đổi lối sống, luyện tập thể lực, nâng cao sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Chương trình thường kéo dài 12 tuần, yếu tố cốt lõi để bắt đầu tiến hành phương pháp điều trị CRC là thực hiện bài kiểm tra khả năng chịu đựng khi hoạt động thể lực (tập thể dục). Bài kiểm tra này vừa để đánh giá thực trạng bệnh nhân vừa để tiên lượng kết quả điều trị. Các chỉ số chức năng được đánh giá như: huyết áp, lượng oxy tiêu thụ, khả năng tập một bài thể dục nhịp điệu (aerobic) đánh giá cung lượng tim, đo một số chỉ số chuyển hóa của cơ thể và phân tầng nguy cơ tim mạch cho bệnh nhân.
Phục hồi chức năng tim mạch có sự giám sát của nhân viên y tế
Nhưng cần lưu ý vì một số bệnh nhân đã bị tổn thương phổi nghiêm trọng khi bị bệnh COVID-19, cho nên khi thực hiện các bài kiểm tra với các thiết bị nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, thay vì kiểm tra ở tư thế thẳng đứng hay môt số bài như đạp xe đạp. Cũng có thể một lựa chọn khác là cho bệnh nhân đi bộ từ từ trên máy chạy bộ để thực hiện các bài kiểm tra.
Bài tập luyện cho một bệnh nhân "đơn CRC" có thể là đi bộ nhẹ nhàng, với cường độ tăng dần được cho là an toàn và hữu ích. Một nghiên cứu đã chứng minh, trong số những người bị đau tim hoặc đột quỵ, có tham gia chương trình bài tập đi bộ CRC, thì có khả năng sống sau đau tim và sau đột quỵ cao hơn những người không tham gia thử nghiệm. CRC dường như là một giải pháp thiết thực cho sự phục hồi của các bệnh nhân sau mắc COVID-19.
Điều quan trọng là các chuyên gia y tế phải hiểu rõ ràng về"đơn CRC"và sẵn sàng hỗ trợ cho bệnh nhân, trong trường hợp bệnh nhân sau COVID-19, không phải chờ đến khi có biến chứng tim mạch. Một lối sống năng động và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng và ngay cả tử vong. Sự đáp ứng mạnh mẽ của hệ tim mạch do tập luyện đem lại kết quả tốt cho bệnh nhân, đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu.
Tập luyện thường xuyên là biện pháp bảo vệ chống viêm, là lá chắn giúp bảo vệ tim khỏi cơn đau tim tiềm ẩn và cải thiện độ đàn hồi của mạch máu. Vì thế nó làm giảm đáng kể các triệu chứng sau COVID-19 như khó thở, khó chịu ở ngực cùng các biến chứng nặng khác. Nó là "liều thuốc" tối ưu và tích cực cho sức khỏe cùng với việc ăn uống lành mạnh.
Bệnh nhân phục hồi sau COVID-19 phải được tái khám định kỳ và phải được kiểm tra đánh giá về tim mạch
Hiện tại ở Việt Nam, qua 2 năm dịch bệnh, có một số lượng rất lớn bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh về với cộng đồng nhưng vấn đề thăm khám, theo dõi sau COVID-19, đặc biệt được chăm sóc phục hồi chức năng tim mạch và một số di chứng khác của bệnh là chưa thật sự được quan tâm. COVID-19 nhưng rất ít, đặc biệt phục hồi chức năng tim mạch.
3.Lời khuyên cho bệnh nhân hậu COVID-19 trong chăm sóc sức khỏe tim mạch
- Bệnh nhân phải được thầy thuốc tư vấn rõ về những triệu chứng sẽ còn tồn tại (có thể sẽ không còn) ở một thời gian sau xuất viện như: khó chịu ở ngực, thở cảm giác hơi thiếu hơi, đau đầu, xoàng đầu, đau nhức cơ bắp, ho, mất khứu giác và vị giác. Nếu các triệu chứng không giảm mà càng ngày càng tăng dần thì phải trao đổi với bác sĩ.
- Bệnh nhân tự tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày (những người còn có thể tập được), không quá 15 phút một ngày và không quá 90 phút 1 tuần.
- Bệnh nhân phục hồi sau COVID-19 phải được tái khám định kỳ và phải được kiểm tra đánh giá tình hình bệnh chung, đặc biệt liên quan đến tim mạch. Thầy thuốc phải tư vấn cho bệnh nhân những triệu chứng mới về tim mạch theo kết quả (có thể có) để cảnh báo những bệnh lý nặng, cấp cứu (có thể xảy ra).
- Bệnh nhân phục hồi sau COVID-19 phải tạo một tâm lý sống lạc quan, yêu đời thoải mái, tràn đầy năng lượng.
TS.BSCK2. Phan Long Nhơn
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//cham-soc-phuc-hoi-chuc-nang-tim-cho-benh-nhan-hau-covid-19-16922031209144109.htm