Khi nào F0 nhiễm Omicron điều trị tại nhà cần đến bệnh viện?

ngày 12/03/2022

Biến chủng Omicron ít gây bệnh nặng so với Delta. Tuy nhiên, F0 vẫn cần lưu ý về vấn đề dùng thuốc, cách ly và theo dõi những dấu hiệu trở nặng.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết việc theo dõi và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn hiện nay có nhiều điểm tích cực hơn so với thời điểm chủng Delta chiếm ưu thế.

Đa số người nhiễm virus có triệu chứng nhẹ

Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao nên đang làm gia tăng số ca mắc trên toàn cầu. Tuy nhiên, các biểu hiện lâm sàng ở đa số bệnh nhân nhiễm biến chủng này tại Việt Nam được ghi nhận ở mức độ nhẹ và vừa.

Dựa trên quan sát thực tế khi điều trị Covid-19 và thông tin từ các bài báo khoa học, bác sĩ Vân Anh cho biết biến chủng Omicron lây nhanh nhưng lại rất ít gây ra tình trạng diễn biến nặng.

Vị chuyên gia này cho biết với biến thể Omicron, chủng BA.2 có khả năng lây nhiễm nhiều hơn khoảng 50% so với BA.1. Hai chủng này không khác biệt về triệu chứng lâm sàng song dường như Omicron BA.1 ảnh hưởng đến người trẻ tuổi nhiều hơn.

Biến chủng Omicron lây nhanh nhưng lại rất ít gây bệnh nặng như giai đoạn chủng Delta chiếm ưu thế. Ảnh: Thạch Thảo.

Ngoài ra, đa số người dân trên 18 tuổi tại Việt Nam đã được tiêm ngừa bổ sung mũi vaccine thứ 3. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp người nhiễm virus giảm nguy cơ nhập viện, tử vong.

Tuy nhiên, bác sĩ Vân Anh lưu ý sau khi khỏi Covid-19, nhiều người vẫn tồn tại dai dẳng các triệu chứng bệnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đây là vấn đề đáng lo ngại và khiến người bệnh phải đến viện thăm khám nhiều lần sau khi đã âm tính với SARS-CoV-2.

Do đó, người dân không nên có tâm lý chủ quan mà cần tiếp tục bảo vệ cho nhóm người nguy cơ cao, chưa được tiêm vaccine.

Đặc biệt, bác sĩ Vân Anh cho biết hiện một số người dân có thói quen tháo khẩu trang hoặc sử dụng khẩu trang không đúng cách ở nơi đông người. Điều này sẽ tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh hơn trong cộng đồng và dẫn đến số ca mắc tăng cao.

Nguyên tắc điều trị F0 tại nhà

Dù đa số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, nhiều người vẫn rất lúng túng khi tự điều trị tại nhà vì chưa biết cách dùng thuốc và theo dõi dấu hiệu trở nặng như thế nào.

Về điều này, bác sĩ Vân Anh lưu ý F0 cần nắm rõ một số nguyên tắc để chăm sóc bản thân và người nhà đúng cách.

Thuốc Molnupiravir không được sử dụng với trẻ nhỏ. Ảnh: Quốc Toàn.

Chuyên gia cho hay đối với thuốc kháng virus (Molnupiravir, Fapiravir), các F0 nhẹ có triệu chứng hoặc không có triệu chứng, không thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh nặng không cần uống. Thuốc này cũng không được sử dụng với trẻ nhỏ.

Người bệnh chỉ cần uống thuốc hạ sốt Paracetamol khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ C, bổ sung vitamin C, kẽm, các thuốc ho thảo dược, uống đủ nước, ăn đủ năng lượng và đủ bữa.

Bên cạnh đó, người dân không nên tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi Covid-19 do virus gây ra, không phải vi khuẩn nên kháng sinh không có tác dụng khi điều trị căn bệnh này.

Ngoài ra, F0 cũng không được tự ý dùng thuốc kháng viêm, kháng đông khi không có sự tư vấn từ người có chuyên môn để tránh gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm.

Đối với F0 thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng (thừa cân và béo phì, trên 50 tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch), những người này cần sử dụng thuốc Molnupiravir sớm trong 3 ngày đầu của bệnh. Thuốc giúp rút ngắn thời gian virus tồn tại trong cơ thể, hạn chế nguy cơ xâm nhập đường hô hấp dưới.

Theo bác sĩ Vân Anh, một thói quen đơn giản cũng hỗ trợ điều trị Covid-19 rất tốt đó là súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên và giữ vệ sinh răng miệng.

Bên cạnh đó, chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên tập thở thường xuyên giúp tăng lượng khí đi vào phổi, hạn chế phản ứng viêm xảy ra và bổ sung oxy giúp bệnh nhân cảm thấy bớt lo lắng, cải thiện khả năng hô hấp.

Bên cạnh đó, trong quá trình cách ly F0 tại nhà, người nhà và bệnh nhân cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản để tránh lây nhiễm chéo trong gia đình. Cụ thể là thường xuyên khử khuẩn; lưu ý vệ sinh túi rác của F0 và tay nắm cửa, các bề mặt khác.

Các triệu chứng cần cảnh giác khi tự điều trị tại nhà gồm: SpO2 thấp < 92% liên tục, chóng mặt, thở nhanh so với nhịp thở sinh lý theo tuổi, thở mệt, sau 7 ngày, các triệu chứng vẫn chưa cải thiện.

Với người lớn, dấu hiệu chuyển nặng bao gồm: Khó thở - biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 bắt đầu giảm < 94%.

Khi gặp các tình huống này, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để khám, làm các xét nghiệm và chụp X-quang ngực thẳng để đánh giá, xem xét khả năng nhập viện.

Nguồn: https://zingnews.vn/khi-nao-f0-nhiem-omicron-dieu-tri-tai-nha-can-den-benh-vien-post1301720.html