1. Nhận biết tàn nhang
Theo ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện 19-8, tàn nhang là những đốm nhỏ tăng sắc tố ở lớp hạ bì, được hình thành do sự tổng hợp melanin quá mức.
Tàn nhang có hình dáng phẳng, màu rám nắng hoặc nâu nhạt và xuất hiện dưới dạng một đốm hoặc từng hợp lại thành cụm. Tàn nhang thường xuất hiện ở các vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng như mặt, ngực, cánh tay và lưng.
Phân biệt tàn nhang thông thường và vết đồi mồi:
Tuy có hình dạng và màu sắc tương đồng, tàn nhang và vết đồi mồi có những điểm khác biệt sau đây:
Tàn nhang thông thường | Vết đồi mồi |
---|---|
Tàn nhang thông thường do tình trạng tăng sắc tố ở lớp hạ bì, xuất hiện sớm trên da từ khi 2-3 tuổi. |
Vết đồi mồi là hiện tượng thoái hóa da ở người cao tuổi, thường gặp ở những người ngoài 50 tuổi. |
Có tính di truyền |
Không có tính di truyền |
Thường thấy ở các vùng da như cổ, vai, cánh tay, lưng... |
Có thể thấy ở bất cứ vùng da nào tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, trán, ngực, vai, bàn tay, cẳng chân... |
Tùy vào sắc tố da mà màu của tàn nhang là đỏ, nâu đậm, nâu nhạt |
Sắc tố từ màu vàng nhạt đến nâu đậm |
Có thể mờ dần trong mùa đông và biến mất theo thời gian |
Không mờ dần hoặc biến mất theo thời gian |
Có kích thước 1-2mm hoặc lớn hơn và đường viền không rõ ràng |
Có đường viền rõ ràng |
2. Các biện pháp điều trị tàn nhang
ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo cho biết, có 2 phương pháp điều trị tàn nhang là điều trị laser và tiêm meso. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, để điều trị và ngăn ngừa tàn nhang hiệu quả, việc quan trọng nhất cần làm là chống nắng đầy đủ cho da.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể kích thích tàn nhang và vết đồi mồi tiến triển nhanh và sớm hơn. Vì vậy, bạn cần thoa kem chống nắng mỗi ngày và sử dụng các biện pháp chống nắng vật lý để bảo vệ làn da.
- Điều trị tàn nhang bằng laser:
Cách trị tàn nhang bằng laser là sử dụng chùm tia laser với bước sóng có độ xung ngắn để tác động trực tiếp vào vùng da bị tàn nhang. Sự tác động này sẽ giúp loại bỏ sắc tố melanin, kích thích sản sinh collagen, elastin giúp loại bỏ tàn nhang để làn da trở nên sáng mịn, đều màu.
Về cơ bản, điều trị tàn nhang bằng phương pháp laser có tính an toàn và hiệu quả cao, nguy cơ để lại sẹo thấp. Tuy nhiên, một số ít trường hợp điều trị tàn nhang bằng laser có thể xảy ra tác dụng phụ như gây ngứa rát, ửng đỏ cho da, bong tróc da, thay đổi màu da,...
- Tiêm meso điều trị tàn nhang:
Phương pháp mesotherapy, hay còn gọi là tiêm meso, đưa hoạt chất vào các tầng sâu bên trong da, phá vỡ cấu trúc các hắc sắc tố melanin, nhờ đó giúp làm giảm sự xuất hiện của các đốm nâu tàn nhang.
ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo cảnh báo, để đảm bảo điều trị tàn nhang hiệu quả và an toàn, chị em nên tìm đến các cơ sở uy tín, được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tránh thực hiện các liệu pháp laser, tiêm meso tại các cơ sở spa không được cấp phép, không đảm bảo điều kiện... vì nguy cơ biến chứng.
Ngoài ra, có thể sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên tại nhà để chăm sóc da, cải thiện tàn nhang và làm chậm lão hóa:
- Giấm táo: Giấm táo chứa acid malic giúp tẩy các tế bào tối màu, có thể làm mờ các nốt tàn nhang và cải thiện vẻ ngoài tổng thể của làn da.
Cách làm: Trộn hỗn hợp giấm táo và mật ong với tỉ lệ 1:1. Thoa lên mặt và rửa lại bằng nước ấm sau 15-20 phút.
- Nước cốt chanh: Chanh giàu vitamin C và chất chống oxy hóa giúp giảm hình thành melanin và làm mờ các nốt tàn nhang. Ngoài ra, chanh có đặc tính chống sắc tố và phản ứng quang học giúp bảo vệ làn da khỏi tia cực tím có hại.
Cách làm: Trộn hỗn hợp nước cốt chanh và mật ong với tỉ lệ 1:1. Thoa lên mặt và rửa lại bằng nước sau 15 phút.
- Nghệ: Nghệ chứa hợp chất curcumin có tác dụng ức chế sự hình thành các hắc tố - nguyên nhân tạo các nốt tàn nhang.
Bạn có thể kết hợp nghệ với các nguyên liệu khác theo công thức sau: 1 muỗng cà phê bột nghệ; 1 muỗng cà phê nước cốt chanh; 1-2 muỗng cà phê sữa. Trộn đều các thành phần rồi thoa hỗn hợp lên mặt, sau đó rửa lại sau 15 phút.
Tàn nhang vô hại nhưng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư da. Khi có các dấu hiệu sau thì nên đi khám bác sĩ:
- Có đường viền hình răng cưa;
- Có cảm giác đau;
- Có đường kính hơn 6 mm;
- Nổi gờ trên bề mặt da;
- Có các mảng tối hoặc nhiều màu sắc khác nhau;
- Bắt đầu phát triển hoặc thay đổi kích thước hoặc màu sắc...
Nguồn: suckhoedoisong