Cảnh báo nguy hiểm từ những cơn đau vùng hạ sườn

ngày 17/03/2022

Tính từ trên xuống, hạ sườn hay mạn sườn là vùng bụng nằm ngay bên dưới xương sườn.

Cơn đau ở hạ sườn trái là dấu hiệu các bệnh lý về thận, dạ dày, tá tràng… Ảnh minh họa.

Dáng vẻ bên ngoài của con người mang tính đối xứng, chia thành hai phần: Trái và phải. Các cơ quan bên trong ổ bụng nằm dưới hạ sườn trái và hạ sườn phải, nói chung là khác nhau. Do đó, khi đau ở vị trí nào thì đó sẽ là dấu hiệu chỉ điểm cho bộ phận nằm bên trong ổ bụng đang mắc bệnh.

Các bệnh lý ở gan

Trong đời, gần như ai cũng có ít nhất một lần đau vùng hạ sườn bên phải hoặc bên trái. Tính chất cơn đau có thể là âm ỉ, mơ hồ hoặc thành cơn, liên tục và dữ dội. Cơn đau hạ sườn trái hoặc phải có thể thoáng qua nhanh hoặc diễn ra dai dẵng, tái phát làm ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Vùng hạ sườn bên phải có các cơ quan tiêu biểu nằm trong vùng bụng bên dưới bao gồm túi mật, gan và thận phải. Do đó, một sang chấn nặng vùng hạ sườn bên phải có nguy cơ gây ra tổn thương nhiều bộ phận ở bên dưới và biểu lộ các dấu hiệu ra ngoài trong một bệnh cảnh rất phức tạp.

Nguyên nhân gây ra cơn đau vùng hạ sườn phải tùy thuộc tình trạng bệnh lý của cơ quan mắc bệnh.

Gan là tạng to nhất nằm trong ổ bụng, ngay bên dưới hạ sườn phải. Các bệnh lý của gan gây ra cơn đau vùng hạ sườn phải thường gặp nhất. Trong đó, đáng lưu ý nhất là bệnh áp-xe (abscess) gan.

Tình trạng áp-xe gan xảy ra là do các tế bào gan bị phá hủy tạo thành ổ mủ trong gan do sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc amip (amibe). Các biểu hiện thường gặp ở người bị áp-xe gan là: Đau tức vùng hạ sườn phải - sốt cao, thậm chí rét run, sờ thấy vùng gan tương ứng bên dưới hạ sườn phải to, đau gia tăng ấn hoặc sờ nắn.

Xơ gan cũng là bệnh lý tạo ra cơn đau âm ỉ, kéo dài ở vùng hạ sườn phải. Ở người mắc bệnh xơ gan, vai trò hoạt động của gan bị giảm sút nghiêm trọng do phần lớn tế bào gan bị thoái hóa thành các dải xơ không có vai trò chức năng nào cả. Ngoài đau hạ sườn phải, người bị xơ gan còn có dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, vàng da, vàng mắt, bụng chướng, chảu máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...

Bệnh ung thư gan cũng gây ra nhiều biểu hiện tương tự như xơ gan. Và bệnh nhân kết thúc cuộc sống với thể trạng suy kiệt rất nặng.

Các bệnh lý ở đường mật, túi mật

Cơn đau ở hạ sườn phải là dấu hiệu các bệnh lý về gan, mật, túi mật. Ảnh minh họa.

Sỏi đường mật và túi mật gây đau vùng hạ sườn phải với mức độ từ âm ỉ kéo dài đến đau từng cơn quằn quại và dữ dội.

Nếu có viêm đường mật hoặc túi mật người bệnh sẽ sốt, buồn nôn và nôn nhiều. Nhìn chung bối cảnh của bệnh lý đường mật và túi mật có 3 dấu hiệu điển hình sau đây: Đau - sốt - vàng da.

Các bệnh lý ở phổi

Vùng đáy phổi nằm ngay ở trên hạ sườn cũng có khả năng gây hiệu ứng lan tỏa tạo ra cơn đau vùng hạ sườn. Trong trường hợp phổi bị tổn thương bên phải hoặc trái hay cả hai đều có thể tạo nên cơ đau vùng hạ sườn.

Bên cạnh cơn đau hạ sườn đang hành hạ, người bệnh ho nhiều và cảm giác đau gia tăng theo từng cơn ho. Một số bệnh lý hay gặp trong trường hợp này là viêm phổi, viêm màng phổi.

Các bệnh lý ở thận

Vùng thận bên phải và nói chung là hệ thống tiết niệu bên phải khi mắc các bệnh như sỏi thận, nhiễm trùng đường tiểu, viêm thận đều có khả năng gây đau vùng hạ sườn phải. Hướng lan của cơn đau luôn đi xuống phía dưới. Tính chất đau thường là âm ỉ, nhưng cũng có lúc bùng nổ thành cơn đau dữ dội và nước tiểu có thể có máu.

Ngoài ra, tuy ít gặp hơn, các cơn đau vùng hạ sườn phải còn được tạo nên bởi bệnh lý đường tiêu hóa, viêm thần kinh liên sườn và khi phụ nữ mang thai (do thai lớn chèn ép về phía cơ hoành và khoang ngực).

Những cơn đau vùng hạ sườn bên trái

Tính chất cơn đau tương tự như đau vùng hạ sườn bên phải. Nghĩa là cũng đau từ âm ỉ kéo dài đến cấp tính dữ dội. Các cơ quan tiêu biểu nằm trong ổ bụng ngay dưới vùng hạ sườn bên trái là dạ dày, tá tràng, tụy tạng, đại tràng, thận trái, lách. Sau đây là một số bệnh thường gặp gay đau vùng hạ sườn bên trái.

Viêm dạ dày - tá tràng và đại tràng: Phần trên của dạ dày nằm trong ổ bụng ngay bên dưới vùng hạ sườn bên trái, một phần đại tràng lên và đại tràng ngang cũng có “trách nhiệm” liên quan với cơn đau.

Ngoài đau hạ sườn trái, các biểu hiện chung thường gặp ở bệnh lý dạ dày - tá tràng và đại tràng là cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn, ợ hơi, ợ chua, đau vùng bụng với nhiều mức độ khác nhau, đại tiện nhiều lần, tinh chất phân thay đổi - rắn hoặc lỏng và có thể có nhầy, máu.

Hội chứng ruột kích thích: Cũng có thể gây đau vùng hạ sườn bên trái. Các biểu hiện thường gặp khác tương tự như viêm dạ dày hoặc đại tràng. Có một chút khác biệt là cơn đau của hội chứng ruột kích thích thường diễn ra rất ngắn. Người bệnh thường có cảm giác dễ chịu hơn sau mỗi lần đại tiện hoặc trung tiện.

Viêm tụy: Có thể gặp trong bệnh cảnh viêm tụy cấp hoặc viêm tụy mạn gây đau vùng hạ sườn bên trái và đau xuyên ra sau lưng. Bệnh viêm tụy cấp diễn ra đột ngột và gây cơn đau dữ đội, thường đi kèm sau một bữa ăn được cho là thịnh soạn như ăn giỗ, ăn cưới, ăn tiệc. Đi kèm với cơn đau là sốt, buồn nôn, nôn và tim đập khá nhanh. Viêm tụy cấp là bệnh mang tính cấp cứu. Nên người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Các bệnh lý ở thận: Có các biểu hiện tương tự như bên phải.

Ngoài ra, các cơn đau vùng hạ sườn trái còn được tạo nên bởi bệnh lý ở vùng đáy phổi bên trái, viêm thần kinh liên sườn, bệnh lý của lách và thậm chí là nhồi máu cơ tim.

Hướng xử trí cơn đau

Trừ những cơn đau “thập tử nhất sinh”, người bệnh và người nhà cuống cuồng kéo đến bệnh viện. Lời khuyên dành cho những ai bị cơn đau hạ sườn phải hoặc trái hay đau cả hai bên từ âm ỉ đến mức độ vừa, cần đi khám xác định nguyên nhân để điều trị càng sớm càng tốt.

Trong khi chờ đợi, có thể làm giảm nhẹ cơn đau bằng cách ngưng công việc, nghỉ ngơi và chườm nóng vùng đau. Lưu ý đừng nóng quá sẽ gây bỏng da và nếu nguội quá cũng không có tác dụng.

Không nên dùng bất cứ loại thuốc nào nếu đó không phải là quyết định của người có chuyên môn đáng tin cậy. Vì nếu dùng không đúng cách thì các biểu hiện bệnh sẽ bị khỏa lấp gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị cấp cứu có thể xảy ra ngay sau đó.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/khoe-dep/canh-bao-nguy-hiem-tu-nhung-con-dau-vung-ha-suon-6t19lFE7R.html