Người dân chủ động đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu

ngày 07/07/2020

Tiêm phòng đầy đủ là cách hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh.

Tiêm phòng đủ để phòng bệnh bạch hầu

Sáng sớm, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, trú tại phường Thảo Điền (quận 2) đã đưa con trai 4 tuổi đến trạm y tế phường để tư vấn tiêm vắc xin DTC (phòng bạch hầu - uốn ván - ho gà). Không phải chờ đợi lâu, sau khi tư vấn và khám, cháu bé đã được tiêm vắc xin DTC mũi 4.

“Trong thời gian dịch Covid-19, bé nhà tôi chưa tiêm phòng đủ. Nay, khi nghe bệnh bạch hầu tái xuất hiện, tôi đưa bé đi tiêm phòng cho yên tâm”, chị Thanh Tâm nói.

Bác sĩ Bùi Văn Đức, Trưởng trạm Y tế phường Thảo Điền (quận 2) cho biết, gần đây, người dân thường xuyên đến trạm y tế phường để hỏi và tiêm vắc xin DTC cho con mình. “Có ngày, trạm y tế tiêm vắc xin DTC cho từ 20 đến 30 trẻ nhỏ. Thậm chí, có người trước đây tẩy chay tiêm vắc xin, nay cũng đưa con, cháu đi tiêm phòng”, bác sĩ Bùi Văn Đức thông tin.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tính đến trưa ngày 7-7, cả nước có 61 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Trong đó, tỉnh Gia Lai có 13 bệnh nhân; Kon Tum có 26 bệnh nhân; Đắk Nông có 25 người nhiễm bệnh; thành phố Hồ Chí Minh có 1 bệnh nhân. Trên cả nước đã có 3 ca tử vong do mắc bệnh bạch hầu (2 ca ở Đắk Nông và 1 ca ở Gia Lai).

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Tứ Quý, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc trẻ em (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc, do vi khuẩn bạch hầu gây ra, có khả năng lây lan nhanh và tạo thành dịch. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố, gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Những nơi có ổ dịch bạch hầu là những nơi có tỷ lệ tiêm phòng bệnh này thấp.

Nhiều phụ huynh tại thành phố Hồ Chí Minh đưa con đi tiêm vắc xin phòng bệnh.

Không khó để khống chế dịch bệnh

Theo bác sĩ Đỗ Hoàng Yến (Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh), ở nước ta, bệnh bạch hầu thường xuất hiện vào các tháng 8, 9, 10 hằng năm.

“Tuy nhiên, do thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã gần như khống chế được dịch bệnh này. Nếu năm 1985, có 3,95 ca mắc/100.000 dân thì đến năm 2000, con số này chỉ còn 0,14 ca mắc/100.000 dân”, bác sĩ Đỗ Hoàng Yến cho biết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tiêm chủng đầy đủ là “tấm lá chắn” bảo vệ con người trước bệnh bạch hầu. Tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu được tính theo tỷ lệ bao phủ đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản ở trẻ dưới 1 tuổi.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ này hằng năm đều đạt trên 95%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và một số phụ huynh muốn tiêm vắc xin dịch vụ, nên tính đến hết tháng 6-2020, tỷ lệ bao phủ đầy đủ các mũi vắc xin cơ bản cho trẻ sinh năm 2019 đã bị chậm khoảng 15% so với tiến độ cần đạt. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC lưu ý, các bậc cha mẹ không nên tiếp tục trì hoãn việc đưa con em đi tiêm phòng dịch bệnh.

Cũng theo HCDC, vắc xin phòng bệnh bạch hầu đối với hình thức tiêm chủng miễn phí (và luôn có đủ vắc xin tại các cơ sở tiêm chủng) chỉ áp dụng cho trẻ dưới 4 tuổi. Hiện thành phố Hồ Chí Minh có 319 trạm y tế phường, xã tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia

Với trẻ trên 4 tuổi và người lớn có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn, sử dụng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu phù hợp với độ tuổi và tiền sử tiêm chủng. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 200 cơ sở tiêm vắc xin dịch vụ ở tất cả độ tuổi.

“Một số vắc xin dịch vụ hiện tại có trên thị trường như vắc xin Tetraxim, vắc xin Td, vắc xin Adacel, vắc xin Boostrix. Giá của mỗi loại vắc xin là khác nhau, người dân nên đến cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được nhân viên y tế tư vấn và chọn loại vắc xin phù hợp”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng thông tin.


Nguồn: Báo Hà Nội Mới