Ngồi 8 tiếng mỗi ngày: Nguyên nhân gây ra căn bệnh dễ tử vong ngay ít ai biết

ngày 03/12/2021

Ngồi yên một chỗ hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày có thể khiến bạn mắc phải một căn bệnh nguy hiểm mà bạn không hề hay biết.

Thuyên tắc phổi là tình trạng tắc động mạch phổi, xảy ra khi xuất hiện cục máu đông di chuyển đến phổi và gây tắc nghẽn mạch máu. Cục máu đông thường xuất phát từ chân, bị vỡ và trôi nổi tự do đến các mạch máu, được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu.

Theo số liệu thống kê năm 2012, khoảng 2.300 người chết vì thuyên tắc phổi hàng năm. TS Karlyn Martin, trợ lý GS y khoa tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Chicago, Hoa Kỳ nói rằng, hầu hết mọi người không nhận thức được về căn bệnh của mình vì cho rằng đó là dấu hiệu của bệnh khác, chẳng hạn như đau tim.

Chia sẻ với Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cô cho biết: “Thật không may, thuyên tắc phổi có thể tấn công mọi người ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời, bất kể trẻ khỏe hay già yếu.

Nếu có ai đó bị đau ngực, họ sẽ nghĩ ngay rằng mình bị đau tim và cần đến bệnh viện. Nhưng họ lại không nghĩ rằng mình có thể bị thuyên tắc phổi và cần đến viện kiểm tra ngay lập tức".

Rủi ro của bệnh thuyên tắc phổi

Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh quốc cho biết, thuyên tắc phổi thường xảy ra khi một phần của cục máu đông tự bong ra khỏi chân và di chuyển lên phổi. Đến nay, nguyên nhân về việc xảy ra tình trạng này vẫn chưa được lý giải.

Tuy nhiên, một nửa số người phát triển tình trạng này khi họ đang nằm viện và phải nằm bất động trong một thời gian dài. Huyết khối tĩnh mạch sâu cũng được cho là hay tác động đến những người dành nhiều thời gian ngồi tàu hỏa, máy bay hoặc ô tô. Theo NHS, đôi khi, các khối này cũng có thể phát triển khi bệnh nhân phải ngồi tàu, xe... di chuyển dài hơn 6 tiếng đồng hồ.

Huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra do sự ít vận động bởi các cơ ở cẳng chân trở nên lỏng lẻo. Điều này khiến máu khó lưu thông theo cách bình thường nên bị đông lại.

Tuy nhiên, ngoài những bệnh nhân phải nằm viện và người thường đi du lịch, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhân viên văn phòng - đặc biệt là những người ngồi 8 giờ một ngày - có nguy cơ cao phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu.

Một nghiên cứu cho thấy rằng, làm việc nhiều hơn 55 tiếng mỗi tuần làm tăng nguy cơ phát triển cả huyết khối tĩnh mạch sâu và bệnh thuyên tắc phổi.

NHS cho biết, để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu, bạn không nên ngồi yên trong thời gian dài và phải đứng dậy, di chuyển mỗi giờ đồng hồ hoặc lâu hơn. Ngoài ra, hạn chế ngồi kiểu bắt chéo chân vì tư thế ngồi này có thể cản trở việc máu lưu thông.

Những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

Trên 60 tuổi
Sử dụng viên uống kết hợp hoặc liệu pháp hormone thay thế (estrogen làm tăng khả năng đông máu)
Béo phì
Mắc bệnh đi kèm như bệnh tim hoặc ung thư.

Các dấu hiệu của thuyên tắc phổi

Có một số dấu hiệu quan trọng mà mọi người cần lưu ý khi theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân.

Bác sĩ Gary Raskob, thành viên HĐQT của Tổ chức y tế NBCA (một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm thúc đẩy việc phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị thành công các vấn đề về đông máu) ở Mỹ cho biết, ngay cả những cục máu đông lớn cũng có thể không gây ra các triệu chứng gì. Trong khoảng 1/4 số trường hợp thuyên tắc phổi ở Mỹ, triệu chứng đầu tiên là tử vong.

Trước đó, những bệnh nhân này có thể trải qua một số triệu chứng như:

Thở phì phò
Tim đập nhanh
Tức ngực
Ho ra máu
Cảm thấy mệt mỏi hoặc bất tỉnh

Một số triệu chứng của cục máu đông đó là:

Đau nhói hoặc chuột rút ở một chân (hiếm khi cả hai chân), thường ở bắp chân hoặc đùi
Sưng ở một chân (hiếm khi cả hai chân)
Vùng da xung quanh bị nóng lên, đỏ hoặc sẫm màu
Các mạch máu sưng lên, cứng hoặc đau khi chạm vào

Những nguy cơ khác của việc ngồi cả ngày

Nghiên cứu cho biết, những người trưởng thành trong độ tuổi lao động ở Anh dành trung bình 9,5 tiếng mỗi ngày để ngồi và không vận động gì. Điều này tăng dần theo độ tuổi. Đến năm 75 tuổi, con số này tăng lên là 11 tiếng mỗi ngày.

Những người ngồi nhiều có nguy cơ xuất hiện các cơn đau tim nhiều hơn và già nhanh hơn.

Một nghiên cứu khác cho thấy, những người hầu như không di chuyển khỏi bàn làm việc trong 8 tiếng có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 60% so với người khác.

Đáng buồn thay, các buổi tập gym lẻ tẻ sẽ không có tác dụng gì trong việc đẩy lùi tác hại của việc ngồi nhiều, theo chuyên gia.

TS Michael Mosley, nhà báo, cựu bác sĩ y khoa cho biết: “Bạn không thể loại bỏ được những tác hại của việc ngồi nhiều trừ khi tập thể dục ít nhất 40 phút mỗi ngày. Đứng lên thường xuyên trong khi làm việc được cho là một cách đơn giản và dễ dàng để tăng cường sức khỏe.

Nguồn: https://vtc.vn/ngoi-8-tieng-moi-ngay-nguyen-nhan-gay-ra-can-benh-de-tu-vong-ngay-it-ai-biet-ar649671.html