4 yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc COVID-19 kéo dài

ngày 07/03/2022

Các nhà khoa học đã xác định được 4 yếu tố nguy cơ có thể giúp dự đoán liệu một người có phát triển COVID-19 kéo dài hay không? Một số yếu tố này có thể được sàng lọc trong máu của bệnh nhân.

1. Các yếu tố nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài

Các nhà khoa học Viện Sinh học Seattle, Mỹ đã tiến hành nghiên cứu, theo dõi 210 bệnh nhân COVID-19. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm ra những đặc điểm chung của những bệnh nhân tiếp tục phát triển COVID-19 kéo dài.

Các bệnh nhân đã hoàn thành một cuộc khảo sát về các triệu chứng liên quan đến COVID-19 kéo dài, bao gồm ho, mệt mỏi, khó thở, tiêu chảy, các vấn đề về trí nhớ, khó tập trung, mất vị giác và khứu giác...

Nhìn chung, khoảng 37% bệnh nhân cho biết có 3 triệu chứng COVID-19 kéo dài trở lên; 24% báo cáo 1 hoặc 2 triệu chứng; và 39% còn lại cho biết không có triệu chứng. Các triệu chứng đường hô hấp thường gặp nhất, sau đó là các triệu chứng thần kinh, mất vị giác và khứu giác, và các triệu chứng về đường tiêu hóa.

Trong nhóm có 3 triệu chứng COVID kéo dài trở lên, 95% biểu hiện ít nhất một trong 4 yếu tố nguy cơ mới được xác định.

COVID-19 kéo dài hay "di chứng sau COVID-19 cấp tính (PASC)" - một thuật ngữ y học đề cập đến những tác động của SARS-CoV-2 có thể có trên cơ thể sau khi nhiễm COVID-19 cấp tính.

Ảnh minh họa.

4 yếu tố nguy cơ có liên quan đến COVID kéo dài bất kể nhiễm trùng ban đầu của bệnh nhân là nặng hay nhẹ, các yếu tố nguy cơ này bao gồm:

Một số lượng cao vật chất di truyền SARS-CoV-2 trong máu sớm khi bị nhiễm trùng
Nhiễm trùng hoạt động với virus Epstein-Barr (EBV)
Một số tự kháng thể hoặc các phân tử miễn dịch nhắm mục tiêu đến các protein của cơ thể, thay vì nhắm mục tiêu vào virus hoặc vi khuẩn
Chẩn đoán trước bệnh đái tháo đường loại 2.

Hầu hết các yếu tố nguy cơ này có thể được đánh dấu vào thời điểm bệnh nhân được chẩn đoán lần đầu tiên với COVID-19, và nếu điều trị kịp thời có thể ngăn ngừa một số trường hợp COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ là một điểm khởi đầu vì cần tiếp tục tìm hiểu các yếu tố nguy cơ này có thực sự thúc đẩy sự phát triển của COVID-19 kéo dài hay không và liệu những tín hiệu có thể được phát hiện sớm này có thể giúp dự đoán những triệu chứng cụ thể nào có thể kéo dài ở bệnh nhân 4, 8 hoặc 12 tháng sau khi nhiễm COVID-19 hay không.

1.1 Các tự kháng thể và các triệu chứng hô hấp, tiêu hóa của COVID-19 kéo dài

Trong số các yếu tố nguy cơ đáng chú ý nhất là các tự kháng thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra trong các mẫu máu của bệnh nhân. Họ đã kiểm tra cụ thể 6 tự kháng thể và nhận thấy rằng các kháng thể khác nhau có liên quan đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài khác nhau.

Điển hình, sự hiện diện của một tự kháng thể, được gọi là kháng IFN-α2, tại thời điểm chẩn đoán dự báo các triệu chứng hô hấp của COVID-19 kéo dài.

Kháng thể kháng IFN-α2 bám vào một chất truyền tin hóa học gọi là interferon alpha-2 giúp chỉ đạo hoạt động của các tế bào miễn dịch cụ thể. Các tác giả nghiên cứu cho biết, sự hiện diện của các kháng thể kháng IFN-α2 có thể khiến các tế bào miễn dịch này hoạt động sai và cũng thúc đẩy sản xuất các phân tử gây viêm trong cơ thể.

Ngoài kháng IFN-α2, các nhà nghiên cứu còn sàng lọc 5 tự kháng thể bổ sung, được gọi là kháng thể kháng nhân, liên kết với protein trong nhân tế bào.

5 kháng thể này có liên quan đến các chứng rối loạn tự miễn dịch khác nhau, bao gồm bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp, nhưng liệu chúng có gây hại trực tiếp cho các tế bào hay chỉ là một dấu hiệu của bệnh thì vẫn chưa rõ ràng.

Nhóm nghiên cứu báo cáo, các kháng thể kháng nhân có liên quan đến các triệu chứng hô hấp và một số triệu chứng đường tiêu hóa của COVID kéo dài.

1.2 Các kháng thể và các triệu chứng thần kinh

Ngược lại, các triệu chứng thần kinh không liên quan đáng kể với 6 tự kháng thể. Thay vào đó, các triệu chứng thần kinh dường như liên quan đến các kháng thể nhắm vào chính virus. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những kháng thể này nhắm vào cái gọi là nucleocapsid của virus, xuất hiện với số lượng lớn sau khi nhiễm bệnh, một khi các triệu chứng COVID-19 kéo dài xuất hiện. Dữ liệu về kháng thể này gợi ý rằng có thể có các cơ chế khác nhau thúc đẩy các triệu chứng khác nhau của COVID kéo dài.

Những phát hiện này có thể gợi ý về các phương pháp điều trị COVID-19 kéo dài.

1.3 Virus Epstein-Barr và các vấn đề nhận thức

Epstein-Barr Virus (EBV) còn được gọi là herpesvirus 4 (HHV-4) là một trong 8 loại virus Herpes gây bệnh phổ biến nhất ở người. Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng EBV đóng vai trò là một yếu tố nguy cơ chính khác đối với COVID-19 kéo dài. Ước tính có khoảng 90% đến 95% số người mắc EBV và sau khi gây ra nhiễm trùng ban đầu, virus này sẽ không hoạt động và ẩn trong các tế bào miễn dịch của cơ thể. Nhưng đôi khi, nếu một người mắc một bệnh nhiễm trùng khác hoặc đang trải qua căng thẳng tột độ, EBV không hoạt động này có thể "kích hoạt lại", có nghĩa là nó gây ra nhiễm trùng hoạt động một lần nữa. Những bệnh nhân có EBV trong máu khi được chẩn đoán cho thấy khả năng cao mắc các vấn đề về trí nhớ, cũng như mệt mỏi và nhiều đờm.

Thông thường sẽ không thể phát hiện các mảnh EBV trong máu và việc phát hiện các EBV trong máu là một dấu hiệu cho thấy chúng đã tái hoạt động. Điều đáng lưu ý là EBV chủ yếu xuất hiện trong máu của bệnh nhân tại thời điểm họ được chẩn đoán COVID-19, sau đó nồng độ virus trong máu giảm nhanh chóng. Nhóm nghiên cứu cho biết, có thể là khi hệ thống miễn dịch tập hợp lại để chống lại coronavirus, EBV sẽ có cơ hội kích hoạt lại và gây ra thiệt hại lâu dài cho cơ thể.

1.4. Bệnh đái tháo đường và RNA coronavirus

Khoảng 1/3 số bệnh nhân COVID-19 kéo dài của nghiên cứu mắc bệnh đái tháo đường loại 2. Đặc biệt, những người có yếu tố nguy cơ này có nhiều khả năng bị mệt mỏi, ho và các triệu chứng COVID-19 kéo dài đường hô hấp khác.

Ngoài ra, khoảng 1/3 số bệnh nhân COVID-19 kéo dài mang vật liệu di truyền SARS-CoV-2, hoặc RNA, trong máu vào thời điểm chẩn đoán và dễ gặp các triệu chứng COVID-19 kéo dài liên quan đến trí nhớ.

Kết quả về tải lượng virus cho thấy, COVID-19 kéo dài có thể được ngăn ngừa hoặc ít nhất là ít nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân này nếu tải lượng virus của họ có thể được duy trì bằng thuốc kháng virus.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, việc loại bỏ virus càng nhanh thì càng ít có khả năng phát triển virus dai dẳng hoặc tự miễn dịch, có thể dẫn đến COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, do COVID-19 kéo dài có thể tấn công những người bị nhiễm trùng COVID-19 nhẹ và nặng, nên vẫn chưa rõ liệu điều trị kháng virus tích cực có giúp ích cho tất cả bệnh nhân hay không.

2. Các yếu tố rủi ro khác

Ngoài 4 yếu tố nguy cơ chính đối với COVID-19 kéo dài, nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người có các triệu chứng hô hấp của COVID kéo dài có mức độ hormone căng thẳng cortisol trong máu thấp bất thường. Và những người có các triệu chứng thần kinh mang nồng độ protein trong máu cao bất thường được cho là phản ánh sự gián đoạn trong chu kỳ ngủ / thức trong sinh học.

Tiến sĩ PJ Utz, Giáo sư y khoa và bác sĩ khoa học về miễn dịch học và thấp khớp tại Đại học Stanford, cho biết, ông đánh giá cao kết quả của nghiên cứu này. TS. Utz là một trong số các nhà nghiên cứu của ĐH Stanford, đóng vai trò điều tra viên chính cho Sáng kiến Nghiên cứu COVID-19 để Tăng cường Phục hồi (RECOVER), một nghiên cứu đa trung tâm về COVID-19 kéo dài do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) bảo trợ.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ là một điểm khởi đầu và vẫn còn có một số hạn chế. Ngoài ra, các nhà khoa học có thể sẽ cần thực hiện các nghiên cứu trên động vật để hiểu tại sao và làm thế nào các yếu tố nguy cơ được xác định dẫn đến các triệu chứng COVID-19 kéo dài khác nhau. Và liệu các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau, từ Alpha đến Omicron, có thay đổi bối cảnh của COVID-19 kéo dài mà bệnh nhân trải qua hay không. Nhưng những phát hiện này có thể gợi ý về các phương pháp điều trị, và trên thực tế, liệu pháp thay thế cortisol đã được thử nghiệm ở những bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài.

ThS. Nguyễn Mạnh Hùng

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//4-yeu-to-nguy-co-lam-tang-kha-nang-mac-covid-19-keo-dai-169220307122218893.htm