Thầu dầu - 'cây thoát nghèo'

ngày 28/09/2022

Loại cây có tính ứng dụng cao, mang lại lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội thiết thực như thầu dầu sẽ giúp nông dân và địa phương tìm được hướng đi phù hợp, hiệu quả trong việc phát triển kinh tế

Thầu dầu - tên khoa học Ricinus communis - là loài cây bụi phát triển nhanh, cho trái rất sớm, năng suất cao. Thầu dầu có nguồn gốc từ châu Phi và vùng cận nhiệt đới Himalaya Ấn Độ, hiện được trồng ở nhiều nơi như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ và một số nước vùng Trung Á thuộc Liên Xô trước đây. Ở Việt Nam, cây thầu dầu đã có từ lâu, được trồng nhiều tại vùng sông Hồng, sông Đuống, sông Lô và hiện nay là các tỉnh Tây Nguyên.

Thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ

Hạt thầu dầu có tới 40% - 50% dầu béo, 25% chất anbuminoit, đường muối, axit malic, xenlulose, rixinin, rixin và axit undexylenic. Chất rixin trong hạt thầu dầu chiếm 3%-5% là một protein rất độc. Trong lá non, thân, cành… của thầu dầu cũng chứa hoạt chất này.

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên rất đa dạng về côn trùng. Trong đó, rất nhiều loài gây hại cho cây trồng. Nhiều năm trước đây, các loại thuốc hóa học được nông dân sử dụng để phòng trừ côn trùng có hại. Tuy nhiên hiện nay, tầm hiểu biết của người dân đã được nâng lên, đa phần họ thấy được những tác hại lâu dài cũng như sự kháng thuốc của sâu bệnh khi sử dụng hóa chất trong canh tác.

Do đó, nông dân đang hướng tới việc phát triển một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Bởi vậy, những sản phẩm thuốc trừ sâu bệnh cho cây trồng có nguồn gốc sinh học được ưa chuộng, đang được dùng rộng rãi ở nước ta. Trong đó, việc sử dụng hoạt chất của những loại cây có khả năng tiêu diệt côn trùng, sâu bệnh phá hoại như thầu dầu đang dần được chú trọng.

Với thành phần có độc tính rixin, thầu dầu được sử dụng làm thuốc sinh học trừ sâu bệnh, thân thiện môi trường và không gây hại cho sức khỏe con người. Rixin hoạt động như một loại độc tố bằng cách ức chế sinh tổng hợp protein của các loài sâu bọ gây hại cho cây, khiến chúng không sinh trưởng và phát triển được, dẫn đến chết. Nhờ đó, cây thầu dầu được sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học diệt trừ các loại sâu ăn lá, sâu bướm, sâu đục thân… hay các loại bọ như phấn trắng, rệp, ve, bọ trĩ... rất hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.

Cây thầu dầu

"Sẽ làm giàu được"

Thầu dầu còn được đánh giá cao bởi đây là "cây xóa nghèo" của người dân một số tỉnh hiện nay. Thầu dầu có khả năng phát triển nhanh, sớm cho thu hoạch trên những vùng đất khắc nghiệt, khô hạn… Vì vậy, một số tỉnh có điều kiện địa lý không thuận lợi trong việc thâm canh những cây trồng khác đã chuyển hướng sang phát triển vùng trồng cây thầu dầu.

Từ năm 2014, các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông) đã phát triển được hơn 3.000 ha cây thầu dầu trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thầu dầu được ưu tiên phát triển trên quỹ đất nương rẫy cằn cỗi, bạc màu cũng như đất hoang hóa trong các buôn làng lâu nay không sử dụng.

Sau khi trừ chi phí, 1 ha thầu dầu thu lời được 35 - 40 triệu đồng/năm. Đây là điều mà nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vui mừng vì quỹ đất tưởng không khai thác được gì nay đã cho những quả ngọt.

Anh Ksor Phăng (xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) phấn khởi: "Nhà mình trồng được 2 ha cây thầu, mới đây đã bắt đầu cho thu bói được hơn 16 tấn quả tươi, bán được 8 triệu đồng. Đất trồng thầu dầu trước đây mình trồng bắp, mì, năng suất không cao, không đủ cái ăn cho cả nhà. Nay trồng thầu dầu, mình hy vọng chừng 4 năm nữa sẽ làm giàu được".

Các hoạt chất kháng sâu bệnh được chiết xuất từ cây thầu dầu Ảnh: Thu Trang

Sản xuất nhiên liệu sinh học

Cây thầu dầu được trồng với số lượng lớn nhằm thu hạt, lá…để sản xuất chế phẩm sinh học, làm thuốc, cũng như làm nhiên liệu sinh học.

Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) thí điểm thành công ở TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang. PV OIL cũng đang hợp tác với Công ty Idemitsu và Công ty NBF của Nhật Bản nghiên cứu các giống cây có khả năng cung cấp nguồn nhiên liệu sinh học cao. Từ đó, PV OIL sẽ tiến hành nghiên cứu việc xây dựng nhà máy diesel sinh học.

Đồng hành với nông dân trong thời kỳ đầu là Công ty TNHH Minh Hoàng. Công ty này đã xây dựng nhà máy chiết ép, chế biến dầu sinh học biodiesel bằng hạt thầu dầu có công suất 30.000 tấn/năm tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Đây là nhà máy đầu tiên ở vùng Tây Nguyên chiết ép, chế biến nhiên liệu sinh học bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ theo đề án, chính sách khuyến khích của Chính phủ. Công ty này đã hình thành vùng trồng thầu dầu ở Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông với hơn 10.000 ha nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động đủ công suất.

Với những công dụng hữu ích của thầu dầu, các tỉnh có quỹ đất rộng nhưng điều kiện khắc nghiệt, khô cằn và khó chăm sóc có thể phát triển loại cây này. Việc trồng những loại cây như thầu dầu - vốn có tính ứng dụng cao cũng như lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội thiết thực - sẽ giúp nông dân tìm được hướng đi phù hợp, hiệu quả trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương.

Nguồn: nld.com.vn