Trao đổi với Zing, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), khẳng định ngành y tế Ấn Độ đang bị quá tải về số lượng bệnh nhân, từ đó thiếu thốn vật tư, trang thiết bị phục vụ điều trị. Trong đó, bên cạnh thuốc chống đông, một vũ khí quan trọng của các bác sĩ với những bệnh nhân tổn thương phổi nặng, phải hỗ trợ hô hấp, là oxy cũng đang thiếu hụt nghiêm trọng.
“Thông thường, khoảng 5-10% trường hợp mắc Covid-19 sẽ có biểu hiện viêm phổi nặng cần các biện pháp hỗ trợ hô hấp. Những biện pháp này đều cần oxy. Tuy nhiên, khi nhu cầu vượt quá lượng cung, ngành y tế sẽ rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến tê liệt hệ thống điều trị”, bác sĩ Điền nói.
3 bài học cho Việt Nam
Theo bác sĩ Vũ Minh Điền, qua hơn một năm với 3 đợt bùng phát dịch mạnh, Việt Nam tạm được coi là điểm sáng trên thế giới về công tác phòng, chống Covid-19. Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định chúng ta không được chủ quan, lơ là.
Bác sĩ Điền chia sẻ: “Nhìn ra các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp hay một số quốc gia thuộc châu Âu, dù tiềm lực kinh tế và y tế phát triển, việc dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng nhưng không kiểm soát tốt, số ca lây nhiễm tăng nhanh, các ca bệnh diễn biến nặng không được chăm sóc y tế đầy đủ dẫn đến viêm phổi gây tiêu tốn rất nhiều nguồn lực cho việc điều trị”.
Do đó, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vaccine, khẳng định đây là bài học đầu tiên cho Việt Nam. Chúng ta không được phép để dịch lan rộng ra cộng đồng thông qua việc phát hiện sớm ca nghi nhiễm, từ đó khoanh vùng, cách ly kịp thời.
Thứ hai, trong trường hợp dịch không may lan rộng, vị chuyên gia này cho hay chúng ta cần áp dụng các biện pháp mạnh như giãn cách xã hội, xét nghiệm diện rộng, phong tỏa trên diện hẹp với chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, từ đó cắt đứt nguồn lây.
“Thông qua các biện pháp này, chúng ta có thể phân loại trường hợp cần chăm sóc y tế, điều trị tích cực nhằm đảm bảo nguồn lực. Với các trường hợp không có diễn biến xấu, viêm phổi nặng hay suy đa phủ tạng, chúng ta có thể theo dõi tại cơ sở y tế ban đầu với tiêu chí 4 tại chỗ của Bộ Y tế”, bác sĩ Điền nói.
Thứ 3, hệ thống điều trị của Việt Nam cần được thiết lập bằng nhiều tầng, lớp, từ cơ sở địa phương đến tuyến tỉnh, Trung ương. Tại Trung ương, Bộ Y tế luôn có hội đồng chuyên môn thường trực có thể hội chẩn trực tuyến, hỗ trợ cho các tuyến cơ sở bất cứ lúc nào.
Bác sĩ Điền nhận định: “Đây là những tham vấn chuyên môn rất quan trọng để góp vào thành công trong việc khống chế các đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua tại Việt Nam, từ đó điều trị khỏi cho những ca bệnh nặng, đưa họ trở về cuộc sống bình thường”.
Nguy cơ từ các nước giáp biên giới
Theo chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, diễn biến dịch Covid-19 tại các quốc gia giáp biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia hiện rất phức tạp với số ca nhiễm virus mới và người tử vong tăng lên mỗi ngày.
Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới rất dài với các quốc gia này, đặc biệt là Campuchia với thêm vùng biển giáp ranh. Do đó, công tác ngăn chặn người dân nhập cảnh trái phép lúc này có vai trò rất quan trọng.
Ngoài ra, số kiều bào của Việt Nam ở Campuchia cũng rất lớn. Theo bác sĩ Điền, đây là thách thức với cả ngành y tế và hệ thống chính quyền, lực lượng quân đội, công an tại các địa phương có đường biên giới.
“Chúng ta cũng đang dần mở cửa đón chuyên gia và công dân Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới trở về. Dù là nhập cảnh chính thống, những người này cũng cần khai báo y tế trung trực và tuân thủ quy định về cách ly. Đồng thời, những ca bệnh từ nước ngoài cũng cần được phát hiện kịp thời để có biện pháp cách ly và điều trị phù hợp”, bác sĩ Điền nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực khiến nguy cơ SARS-CoV-2 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn. Do đó, Bộ Y tế đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo khu vực Tây Nam Bộ tăng cường phòng, chống dịch. Mục tiêu là khống chế, kiểm soát và không luống cuống, bối rối khi xảy ra dịch.
"Nhìn vào bức tranh về tình hình lây nhiễm hiện nay, có thể thấy trên thế giới, tất cả đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Với Việt Nam, chúng tôi xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động để làm sao kiểm soát tốt tình hình", Bộ trưởng nói.
Theo ông Long, bên cạnh nguy cơ lây nhiễm từ nước ngoài, Bộ Y tế còn quan ngại việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc lây nhiễm SARS-CoV-2 sau thời gian Việt Nam kiểm soát dịch tốt. Trong đó, nhiều người ra đường không đeo khẩu trang và thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế.