Các vị thuốc trong Đông y từ lâu đã được xem là phương pháp hỗ trợ hữu hiệu cho việc điều trị và giảm bớt các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là một bệnh lý ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Đặc trưng của bệnh là tình trạng acid từ dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát sau xương ức, ợ hơi, ợ chua và các triệu chứng khó chịu khác.
Nguyên nhân của bệnh này có thể xuất phát từ chế độ ăn uống không lành mạnh, căng thẳng kéo dài hoặc thói quen sinh hoạt không tốt như nằm ngay sau khi ăn.
Nếu không được điều trị kịp thời, GERD có thể dẫn đến viêm loét, hẹp thực quản, thậm chí tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Trong Đông y, trào ngược dạ dày thực quản được xem là hậu quả của sự mất cân bằng trong hệ tiêu hóa, liên quan đến sự thăng giáng bất thường phần khí của Tỳ vị.
Đông y với các vị thuốc tự nhiên từ lâu đã được xem là phương pháp hỗ trợ hữu hiệu cho việc điều trị và giảm bớt các triệu chứng của GERD. Nhiều vị thuốc giúp giảm viêm, bảo vệ niêm mạc thực quản, giảm tiết acid dạ dày, kháng khuẩn hỗ trợ cải thiện môi trường dạ dày, ngăn ngừa vi khuẩn gây hại, giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc.
Trong khuôn khổ bài viết này xin giới thiệu một số vị thuốc Đông y thường dùng để hỗ trợ bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản:
1. Bạch thược làm giảm trào ngược dạ dày
Bạch thược dưỡng huyết nhu can, có vị chua tính bình nên thu liễm âm huyết của Can, bình được Can, hòa hoãn được sự gấp gáp của Can khí. Tác dụng mạnh và nổi bật nhất của bạch thược nằm ở tác dụng nhu can chỉ thống (giảm đau), vì thế dùng rất hiệu quả trong các trường hợp đau bụng do căng thẳng thần kinh, các bệnh lý viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản gây ra.
Theo các nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, vị thuốc này chứa các hoạt chất làm giãn cơ trơn đường tiêu hóa, từ đó có tác dụng giảm đau bụng hiệu quả.
Cách sử dụng: Vị thuốc này thường được dùng phối hợp với cam thảo cho hiệu quả rất tốt. Cam thảo 15 - 20g, bạch thược 30 - 40g, có thể chế thành dạng bột pha nước nóng hoặc nước ấm để uống.
2. Hoàng liên
Hoàng liên là một vị thuốc có tính hàn, vị đắng, có tác dụng thanh Can tả hỏa, thanh vị hỏa, là vị thuốc điều trị vào gốc rễ của bệnh, cầm nôn, làm giảm các triệu chứng ợ hơi, ợ chua...
Các nghiên cứu của y học hiện đại còn cho thấy, hoàng liên nổi tiếng với khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây hại trong dạ dày, có tác dụng điều hòa khí trong cơ thể, hỗ trợ tiêu hóa, làm giảm triệu chứng trào ngược, ổn định hoạt động của dạ dày.
Cách sử dụng: Dùng khoảng 3 - 6g hoàng liên khô, sắc với nước để uống. Hoàng liên có vị đắng nên có thể kết hợp với cam thảo cho dễ uống hơn.
3. Ô tặc cốt
Ô tặc cốt (còn gọi là mai mực) là một vị thuốc có tính mát, vị mặn, giúp giảm tiết acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Với thành phần chứa nhiều canxi carbonate, ô tặc cốt giúp trung hòa acid dạ dày, từ đó giảm cảm giác nóng rát, ợ chua và các triệu chứng khó chịu khác.
Ngoài ra, ô tặc cốt còn có tác dụng làm lành các tổn thương niêm mạc, ngăn ngừa loét, tăng cường khả năng bảo vệ của dạ dày.
Cách sử dụng: Ô tặc cốt thường được nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày, dùng khoảng 5 - 10g bột ô tặc cốt, pha với nước ấm hoặc uống cùng mật ong cho dễ uống hơn. Uống trước bữa ăn 30 phút để phát huy hiệu quả tốt nhất.
4. Lá khôi
Lá khôi (còn gọi là khôi tía) là một vị thuốc Đông y có tác dụng hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày thực quản, nhờ vào khả năng giảm tiết acid giúp lành niêm mạc dạ dày.
Theo nghiên cứu của Bộ môn Dược lý Trường đại học Dược Hà Nội cho thấy, lá khôi có ít tannin và glucozid, có tác dụng giảm độ acid dạ dày hiệu quả. Với tính mát, lá khôi giúp giảm viêm, làm dịu triệu chứng ợ nóng, hỗ trợ hệ tiêu hóa.
Cách sử dụng: Vị thuốc này được sử dụng trong bài thuốc nam rất nổi tiếng gồm các vị lá khôi 80g, bồ công anh 40g, lá nam khổ sâm 12g. Các vị trên phơi khô, thái nhỏ, nấu nước uống vào lúc đói.
5. Nghệ (khương hoàng)
Theo các nghiên cứu, trong củ nghệ có chứa curcumin là curcuminoid hoạt động chính với đặc tính chống loét, chống viêm, ức chế tiết axit dạ dày như axit clohydric (HCL), làm giảm độ axit, thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét.
Theo Y học cổ truyền, củ nghệ có vị đắng, tính nóng, quy kinh Tâm, Can, Tỳ... có tác dụng hành khí phá huyết, khu phong chỉ thống, từ đó làm giảm được các triệu chứng đau rát sau xương ức, ợ hơi, ợ chua hiệu quả.
Cách sử dụng: Mỗi lần dùng 1 thìa cà phê hỗn hợp nghệ mật ong pha với 200ml nước ấm, uống trước bữa ăn sáng 15 - 20 phút.
Việc sử dụng các vị thuốc Đông y không chỉ giúp làm dịu các triệu chứng mà còn tác động vào nguyên nhân gốc rễ của bệnh, điều hòa khí huyết, từ đó hỗ trợ điều trị bệnh, tránh tái phát lâu dài. Tuy nhiên, để việc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản hiệu quả, người bệnh cần được tư vấn, chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ y học cổ truyền.
Nguồn: suckhoedoisong