Co giật mí mắt: 'Điềm báo' hay bệnh lý?

ngày 18/07/2022

Co giật mí mắt (máy mắt) là một hoạt động co thắt lặp đi lặp lại, không tự chủ của cơ mí mắt. Không ít người cho rằng đây là điềm báo gì đó, tuy nhiên co giật mí mắt có thể cảnh báo một số vấn đề bệnh lý.

1. Tổng quan về co giật mí mắt

Co giật mí mắt thường xảy ra trong một vài giây hoặc trong một đến hai phút. Các đợt co giật mí mắt sẽ không dự đoán trước được. Sự co giật có thể biến mất và sau đó lại xuất hiện trong vòng nhiều ngày và rồi bạn sẽ không nhận thấy bất cứ sự co giật nào trong vòng vài tuần, thậm chí vài tháng.

Nội dung

1. Tổng quan về co giật mí mắt
2. Co giật mí mắt cảnh báo một số vấn đề sức khỏe
3. Cần làm gì khi bị co giật mí mắt?
4. Lời khuyên của thầy thuốc

Co giật mí mắt thường không gây đau đớn và không gây hại, nhưng có thể gây phiền nhiễu tới bạn. Đa số các cơn co giật thường sẽ tự biến mất mà không cần phải điều trị.

Trong những trường hợp hiếm gặp, co giật mí mắt có thể là dấu hiệu sớm của một rối loạn vận động mạn tính. Đặc biệt nếu co giật đi kèm với việc co giật các phần khác của mặt hoặc các chuyển động không kiểm soát được.

2. Co giật mí mắt cảnh báo một số vấn đề sức khỏe

Khi nhận thấy mí mắt của bạn bị giật lên một cách bất thường thì đừng chủ quan bỏ qua, nên cẩn thận vì có thể bạn đã mắc phải một trong các vấn đề sức khỏe sau:

Do căng thẳng quá mức

Co giật mí mắt cũng là một biểu hiện phản ánh đôi mắt của bạn đang gặp căng thẳng, mệt mỏi quá mức. Khi cơ thể làm việc quá sức, mắt sẽ có những xung đột từ nhẹ đến mạnh, đôi khi chính bản thân bạn cũng không nhận ra được.

Căng thẳng quá mức có thể phản ứng bằng nhiều hiện tượng khác nhau như thở dài, ngáp, uể oải… và cả co giật ở mí mắt. Tuy nhiên, bạn chỉ cần điều chỉnh lại lối sống sinh hoạt của mình là có thể giảm bớt tình trạng này một cách đáng kể.

Do thiếu ngủ trầm trọng

Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên cũng có thể phản ứng qua hiện tượng co giật mí mắt. Thiếu ngủ còn khiến bạn dễ bị căng thẳng, suy giảm hệ miễn dịch và ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh. Khi thiếu ngủ, đôi mắt của bạn là nơi phản ánh tình trạng này rõ rệt nhất.

Do khối u

Mặc dù xác suất xảy ra là vô cùng thấp nhưng bạn không nên coi thường tới hiện tượng giật mí mắt. Bởi nếu mắt có khối u thì sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm cho đôi mắt, thậm chí còn ảnh hưởng tới tính mạng.

Lúc này, nên chủ động đi khám chuyên khoa mắt để được các bác sĩ nhãn khoa nhận định. Khi mắt co giật liên tục thì nó đang ngầm báo hiệu trong mắt đang có dị vật. Đặc biệt, nếu mắt bị giật thường xuyên có thể là do các khối u đang dần hình thành, chèn lên dây thần kinh và dẫn đến hiện tượng co giật mắt. Dù cho tình trạng bệnh này rất hiếm xảy ra, nhưng vẫn nên cẩn thận vì nguy cơ mắc phải khối u ở mắt là hoàn toàn có thể.

Mắc các bệnh về mắt

Nếu cơn co giật diễn biến mạn tính, rất có thể co giật mí mắt lành tính là tình trạng chuyển động mạn tính, không kiểm soát được của mí mắt. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến cả 2 mắt. Nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa biết rõ, nhưng những bệnh về mắt như: Viêm mí mắt, viêm kết mạc, khô mắt… có thể làm cơn co giật dày hơn, kéo dài hơn.

Ngoài ra, các chất kích thích từ môi trường, ví dụ như gió, ánh sáng, ánh nắng mặt trời hoặc ô nhiễm không khí, hút thuốc lá… cũng có thể khiến co giật mí mắt.

Co giật mí mắt thường không gây đau đớn và không gây hại, nhưng có thể gây phiền nhiễu tới bạn.

3. Cần làm gì khi bị co giật mí mắt?

Đa số các tình trạng co giật mí mắt sẽ biến mất mà không cần điều trị. Nếu tình trạng này không tự biến mất, bạn có thể cố gắng loại trừ hoặc làm giảm các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân phổ biến nhất của co giật mí mắt là do căng thẳng, mệt mỏi và sử dụng caffein.

Để làm giảm co giật mí mắt có thể thử những cách sau: Hạn chế uống ít caffein; Ngủ đủ giấc; Giữ bề mặt và niêm mạc mắt luôn ẩm bằng các loại nước mắt nhân tạo không cần kê đơn hoặc thuốc nhỏ mắt; Chườm ấm lên mắt khi bị co giật mí mắt…

Ở một số trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định tiêm botox và đôi khi tiêm botox được sử dụng để điều trị co giật mí mắt lành tính. Botox có thể làm giảm những cơn co giật mạnh trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, khi tác dụng của botox giảm đi, bạn sẽ cần phải tiêm bổ sung thêm.

Phẫu thuật loại bỏ một vài cơ và dây thần kinh ở mí mắt cũng có thể được áp dụng để điều trị các trường hợp co giật mí mắt nghiêm trọng. Vật lý trị liệu cũng có thể hữu ích trong việc tập thư giãn cho các cơ mặt.

4. Lời khuyên của thầy thuốc

Nếu co giật mí mắt thường xuyên xảy ra, hãy ghi chép lại thời gian và những triệu chứng đi kèm. Ghi lại lượng caffein, thuốc lá và rượu, cũng như mức độ căng thẳng của bạn trong khoảng thời gian các cơn co giật mí mắt xảy ra. Xem xét mối liên quan giữa các chất kể trên và điều chỉnh giảm, nếu cường độ và thời gian co giật mi cũng giảm theo thì đích thị nó là tác nhân chính.

Nếu nhận thấy bạn bị co giật mí mắt nhiều hơn khi bạn không ngủ đủ, thì nên cố gắng đi ngủ sớm hơn từ 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày, để làm giảm sức căng của mí mắt và giảm các cơn co giật.

Co giật mí mắt có rất nhiều nguyên nhân. Hiệu quả và triển vọng điều trị sẽ khác nhau, tùy thuộc vào từng người. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xem xét xem co giật mí mắt có liên quan đến di truyền hay không. Co giật liên quan đến căng thẳng, thiếu ngủ hoặc các yếu tố lối sống khác, sẽ có triển vọng điều trị tốt nhất. Nếu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn là nguyên nhân khiến mí mắt bạn co giật, thì điều trị vấn đề đó sẽ là cách tốt nhất để làm giảm tình trạng co giật ở mí mắt.

Nguồn: suckhoedoisong.vn