9 bài thuốc chữa viêm họng bằng Đông y được áp dụng nhiều trong dân gian

ngày 29/10/2021

Sử dụng thuốc Đông y chữa viêm họng được nhiều người áp dụng vì hiệu quả điều trị tích cực. Việc sử dụng các vị thuốc, dược liệu lâu dài không gây tác dụng phụ gây ảnh hưởng tới sức khỏe như thuốc Tây y khi chữa viêm họng.

BÀI VIẾT NÀY GỒM:

1. Ngoại cảm phong hàn
2. Ngoại cảm phải dịch độc thời khí
3. Kinh dương minh tích nhiệt
4. Đàm hỏa
5. Khí hư
6. Tỳ hư can uất
7. Thận âm hư cảm nhiễm ngoại tà
8. Phế vị nhiệt thịnh
9. Viêm họng hạt

Tình trạng viêm họng có đặc trưng yết hầu sưng đau, người bệnh luôn có cảm giác ngứa ngáy ở họng, thích khạc nhổ.

Sau đó nếu tà khí xâm nhập vào khí huyết sẽ gây sốt hoặc tiết nhiều đờm dãi. Nặng hơn là tình trạng yết hầu nghẹn đau, khó ăn khó nuốt, họng viêm sưng đỏ, lưỡi gà đỏ, nhiệt tụ nên lưỡi đỏ hoặc hồng nhợt.

Yết hầu là cửa ngõ của phế, là nơi có nhiều đường kinh mạch đi qua giữ nhiệm vụ bảo vệ phế trước các dị nguyên xâm nhập. Khi yết hầu bị xâm nhập bởi ngoại tà sẽ có sự giao tranh giữa chính khí và tà khí gây ra sốt, cổ họng đau và sưng…

Để trợ giúp cho chính khí thêm khỏe, chiến thắng ngoại tà và bảo vệ cơ thể, bài viết sau sẽ giới thiệu một số bài thuốc hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị viêm họng, được áp dụng nhiều trong dân gian.

Bài viết có sử dụng lại một số thông tin tư vấn của TTND. BSCC. Trần Văn Bản – Chủ tịch Trung ương Hội Đông Y Việt Nam đã từng đăng tải trên Báo Sức khỏe và Đời sống.

Các bài thuốc Đông Y hiệu quả trong điều trị viêm họng.

1. Ngoại cảm phong hàn

Triệu chứng: Ngạt mũi, nặng tiếng, người ớn lạnh, không mồ hôi, cổ họng hơi sưng, nuốt thấy vướng, đau, kèm theo đau đầu, sốt vừa, sợ gió, đau mỏi thân mình, chán ăn; mạch phù hoãn.
Bài thuốc: Kinh giới 12g, phòng phong 12g, độc hoạt 12g, sài hồ 12g, tiền hồ 12g, xuyên khung 12g, chỉ xác 12g, cát cánh 12g, phục linh 12g, cam thảo 12g, khương hoạt 12g.
Cách dùng: Các vị trên 7 nhát gừng 10 lá bạc hà và nước 1200ml, sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.
Thuốc nhai ngậm: Xạ can lá hoặc củ tươi vừa 1 miếng sinh khương 1 miếng nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 4- 5 lần.

2. Ngoại cảm phải dịch độc thời khí

Triệu chứng: Trong họng ngứa đau, khô, sưng đỏ, nuốt khó ăn hay nghẹn, thích uống nước lạnh, sốt cao, khát; mạch sác, nhiều người mắc cùng, lây lan lẫn nhau.
Bài thuốc: Hoàng liên 08g, cam thảo 10g, nhân sâm 10g, bạch linh 12g, hoàng cầm 12g, ngưu bàng tử 12g, phòng phong 12g, bạch thược 12g, thăng ma 12g, cát cánh 12g.
Cách dùng: Các vị trên 7 nhát gừng và nước 1200ml, sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.
Thuốc nhai ngậm: Xạ can 3 miếng hoắc hương 3 lá sinh khương 1 miếng nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 4 - 5 lần.

3. Kinh dương minh tích nhiệt

Triệu chứng: Sốt không sợ lạnh lại sợ nóng, họng sưng đỏ, đau, nóng cảm giác như đốt ở trong họng, người mệt mỏi, háo khát, bồn chồn trong bụng, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, mạch hồng đại.

Hoàng cầm giúp phế nhiệt ho đờm đặc, đau sưng họng, nôn ra máu, máu cam, viêm gan mật, kiết ly, tiêu chảy, mụn nhọt, lở ngứa, động thai chảy máu.

Bài thuốc: Hoàng cầm 10g, chi tử 10g, bạc hà diệp 10g, liên kiều 10g, đại hoàng 20g, mang tiêu 20g, cam thảo 20g.
Cách dùng: Các vị trên (trừ mang tiêu, bạc hà diệp) sao giòn tán mạt, trộn mang tiêu tán mịn tinh. Mỗi ngày uống 4 lần, mỗi lần 10g với nước trúc diệp, bạc hà diệp hoặc mật ong. Trẻ em thì tùy tuổi mà cho liều lượng thích hợp.
Thuốc nhai ngậm: Lá húng chanh 3 lá, sơn đậu căn 3 miếng nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 5 - 6 lần.

4. Đàm hỏa

Triệu chứng: Yết hầu sưng, đau, nuốt nước bọt đau, người ậm ạch khó chịu, lợm giọng buồn nôn, ăn uống đau nghẹn khó nuốt, nói năng ngại, nặng thì khò khè, khó thở, tâm phiền; mạch hoạt sác.
Bài thuốc: Nhân sâm 8g, trúc nhự 8g, thạch xương bồ 10g, cam thảo 10g, đởm tinh 10g, chỉ thực 10g, quất hồng bì 16g, phục linh 16g, bán hạ 20g.
Cách dùng: Bán hạ khương chế, trần bì khứ bạch. Các vị trên 5 nhát gừng và nước 1200ml, sắc lọc bỏ bã lấy 120ml. Ngày uống 1 thang chia đều 5 lần.
Thuốc nhai ngậm: Ô mai nhục cam thảo vừa 1 miếng nhai nuốt nước bỏ bã, ngày 5-6 lần.

5. Khí hư

Triệu chứng: Họng hơi sưng mà khô, đau, nhức nuốt nước bọt đau. Ăn uống đau nghẹn khó nuốt, đau nhiều vào lúc gần trưa, đại tiện phân lỏng, chân tay mềm nhẽo, người mệt mỏi; mạch hư nhược.

Cam thảo có chứa một số chất giúp làm giảm sưng, giảm ho và tăng lượng các chất trong cơ thể , nhanh chữa lành vết loét.

Bài thuốc: Cam thảo 10g, nhân sâm 12g, thăng ma 12g, trần bì 12g, sài hồ 12g, đương quy 12g, bạch truật 12g, thiên hoa phấn 12g, hoàng kỳ 24g.
Cách dùng: Hoàng kỳ mật sao; cam thảo chích; nhân sâm bỏ cuống; đương quy tửu tẩy; trần bì khứ bạch. Các vị trên nước 1800ml, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Ngày sắc 1 thang, uống chia đều 5 lần.
Thuốc nhai ngậm: Ly tước 1 lá to sơn đậu căn 3 miếng vỏ quýt tươi sạch 1 cái, tất cả nhai ngậm nuốt nước cốt.

Châm cứu:

Châm tả các huyệt thái khê, nội đình, phong phủ, thiếu thương, ẩn bạch, công tôn, hạ quan, phong long.
Châm bổ các huyệt tỳ du, vị du, can du, nội quan, khí hải, thần môn.

6. Tỳ hư can uất

Triệu chứng lâm sàng: Cổ họng hơi sưng mà khô, đau, nuốt nước bọt đau, ăn uống đau nghẹn khó nuốt, hai mạng sườn đau, thỉnh thoảng nóng lên cổ họng, lợm giọng, buồn nôn, ăn uống kém tiêu, người mệt, đại tiện thất thường, rêu lưỡi vàng cáu; mạch huyền.
Bài thuốc: Mộc hương 4g, cam thảo 8g, nhân sâm 8g, viễn chí 8g, bạc hà 8g, sài hồ 10g, bạch thược 10g, đương quy 10g, bạch truật 12g, phục thần 12g, hoàng kỳ 12g, long nhãn nhục 12g, toan táo nhân 12g.
Cách bào chế: Phục thần bỏ lõi gỗ; hoàng kỳ bỏ gốc cuống mật chích; toan táo nhân sao vàng cánh gián; cam thảo chích; viễn chí bỏ lõi tẩm nước gừng sao vàng. Các vị trên 1500ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 250ml.
Cách dùng: Ngày sắc 1 thang, uống chia đều 5 lần.
Thuốc nhai ngậm: Tam thất tẩm nước muối ủ 5-7 ngày thái mỏng sao giòn Cam thảo nhai tinh ngậm, nuốt dần cả nước và bã, ngày 7- 10 lần.

Châm cứu:

Châm tả các huyệt huyền chung, túc lâm khấp, nội đình, phong phủ, thiếu thương, ẩn bạch.
Châm bổ các huyệt: Can du, tỳ du, đởm du, cách du, nội quan, khí hải, thần môn.

7. Thận âm hư cảm nhiễm ngoại tà

Triệu chứng lâm sàng: Cổ họng khô, sưng đau, thường xuyên cảm giác nóng rát ở yết hầu, nuốt nước bọt khó khăn, đau, người phiền muộn, háo khát, ăn uống nghẹn khó nuốt, lưng đau, ù tai, đại tiện táo, tiểu tiện vàng sẻn. Rêu lưỡi vàng; chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Tri mẫu là dược liệu thường dùng trong một số bài thuốc trị viêm họng, tiểu đường, viêm phổi…

Bài thuốc: Tri mẫu 12g, ngưu tất 12g, mạch môn đông 16g, sinh địa 20g, sinh thạch cao 24g.
Cách bào chế: Các vị trên nước 1800ml sắc lọc bỏ bã lấy 150ml.
Cách dùng: Sắc uống ngày 1 thang chia đều 5 lần.
Thuốc nhai ngậm: Tam thất tẩm nước muối ủ 5-7 ngày thái mỏng sao giòn Ly tước 1 lá to nhai tinh ngậm, nuốt dần cả nước và bã, ngày 7- 10 lần.

Châm cứu:

Châm tả các huyệt túc lâm khấp, nội đình, liêm tuyền, phong phủ, thiếu thương, ẩn bạch.
Châm bổ các huyệt thận du, tam âm giao, cách du, thái khê, nội quan, huyết hải, thần môn.

8. Phế vị nhiệt thịnh

Triệu chứng lâm sàng: Cơ thể phát nhiệt, vị quản đau, dịch đờm vàng, mặt đỏ, họng khô, khát nước, đại tiện bí, sán rêu lưỡi vàng, chân răng sưng đỏ, hơi thở hôi.
Bài thuốc: 12g kim ngân hoa, 12g liên kiều, 6g đại hoàng, 10g hoàng cầm, 10g chi tử, 6g bạc hà, 12g ngưu bàng tử, 10g kinh giới, 10g phòng phong, 6g huyền minh phấn.
Cách bào chế: Các vị thuốc rửa sạch, sau đó sắc thêm cùng với 1,5l nước đến khi thuốc còn 2/3 ấm.
Cách dùng: Uống 2 lần/ngày. Nên kiên trì trong vòng 2 – 3 tuần để thải vị nhiệt khỏi cơ thể.

Lưu ý:

Nếu đại tiện bí, bội đại hoàng, khát nhiều thì thêm thiên hoa phấn
Nếu đờm nhiều thì thêm qua lâu nhân, bối mẫu.
Nếu sốt cao thì thêm thạch cao, tri mẫu
Nếu họng sưng nhiều thì thêm đan bì, xích thược.

9. Viêm họng hạt

Triệu chứng: Đau rát, ngứa và khô cổ họng; sưng đỏ họng và hạch bạch huyết; nổi các hạt to nhỏ không đều ở thành họng gây vướng víu khi nuốt nước bọt, đồ ăn. Ho, có thể khạc đờm trắng nhầy, quánh dính, nhất là vào buổi sáng sớm, khi mới ngủ dậy; có thể sốt cao, khàn tiếng.

9.1 Bài thuốc viêm họng hạt thứ nhất

Bài thuốc: 12g kinh giới, 6g bạc hà, 12g liên kiều, 4g cam thảo, 20g kim ngân, 4g cát cánh, 12g sinh địa, 12g cương tàm, 12g ngưu bang, 12g huyền sâm.
Cách bào chế: Chuẩn bị nguyên liệu đem rửa sạch và sắc cùng với 1l nước. Sắc thuốc đến khi liều dùng cạn còn 2/3 ấm.
Cách dùng: Uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang và chia ngày làm 2 lần. Nên uống thuốc vào lúc bụng đói.

9.2 Bài thuốc chữa viêm họng hạt thứ 2

Bài thuốc: 16g kinh giới, 8g bạc hà, 12g huyền sâm, 4g xạ can, 12g kim ngân, 12g sinh địa, 8g tang bạch bì, 8g cỏ nhọ nồi.
Cách bào chế: Rửa sạch nguyên liệu để ráo nước. Cho thuốc sắc cùng 1l nước đến khi liều dùng cạn còn 2/3 ấm.
Cách dùng: Uống mỗi ngày 1 thang và chia ngày làm 2 lần. Nên uống vào lúc bụng đói để tăng hiệu quả điều trị viêm họng hạt.

9.3 Bài thuốc chữa viêm họng hạt thứ 3

Bài thuốc:10g ké đầu ngựa, 10g hoa ngũ sắc, 12g hà thủ ô, 8g bạch đồng nữ, 8g dây vằng.
Cách bào chế: Nếu dược liệu còn tươi thì đem phơi khô nấu nước uống dần hàng ngày. Mỗi lần sắc uống cùng với 1l nước.
Cách dùng: Trung bình mỗi ngày uống 2 – 3 lần, nên uống khoảng 30 phút sau khi ăn là tốt nhất. Sử dụng đều đặn trong vòng khoảng 1 tuần sẽ nhận thấy triệu chứng viêm họng hạt cải thiện rõ rệt.

9.4 Bài thuốc chữa viêm họng hạt thứ 4

Bài thuốc: 12g huyền sâm, 10g thăng ma, 12g thổ phục linh, 10g tiền hồ, 8g ngưu bàng tử, 6g xạ can, 6g sinh địa, 8g liên kiều, 8g hoàng bá, 8g kinh giới, 6g cát cánh.
Cách bào chế: Rửa sạch nguyên liệu để ráo nước, cho hết tất cả các vị thuốc vào sắc cùng với 1 lít nước . Sắc thuốc đến khi thuốc cạn còn chừng 1/3 thì đem ra để nguội.
Cách dùng: Trung bình mỗi ngày nên uống một thang thuốc, thời điểm uống tốt nhất là lúc bụng đói.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//9-bai-thuoc-chua-viem-hong-bang-dong-y-duoc-ap-dung-nhieu-trong-dan-gian-169211026094229585.htm