Việt Nam chưa ghi nhận trẻ mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân

ngày 03/05/2022

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.

Ảnh minh họa.

Theo thông tin trên báo Chính Phủ, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cho biết, đơn vị này đã nắm được các số liệu liên quan bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân xảy ra ở trẻ nhỏ từ các tổ chức quốc tế như tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ.

Hiện Cục Y tế dự phòng đang triển khai chủ động theo dõi sát sao và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ.

Trước đó, tổ chức WHO đã có cảnh báo về các trường hợp trẻ mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân.

Theo tổ chức này, đã có ít nhất 1 trẻ tử vong sau khi gia tăng số mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Ít nhất 169 trường hợp mắc bệnh này đã được ghi nhận tại 12 quốc gia trên thế giới.

Các quốc gia đã ghi nhận những trường hợp trẻ mắc bệnh gan không rõ nguyên nhân như Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Israel, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Italy, Na Uy, Pháp, Roamania, Bỉ.

Đáng chú ý, trong số các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại các quốc gia này, có tới ít nhất 114 ca tại nước Anh.

Cũng theo tổ chức WHO, hiện nay các cơ quan y tế trên toàn thế giới đang đẩy mạnh nghiên cứu những trường hợp bị không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ.

Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, một số trẻ em ở bang Alabama mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân đều có kết quả xét nghiệm dương tính với một mầm bệnh phố biến được gọi là Adenovirus 41.

Adenovirus 41 được biết đến là loại virus gây bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ em, tuy nhiên ít được cho là nguyên nhân gây bệnh viêm gan ở trẻ khỏe mạnh.

CDC Mỹ khuyến cáo cần tiêm nhắc lại vắc xin phòng bệnh cho trẻ, bố mẹ và người chăm sóc cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như giữ vệ sinh tay, tránh tiếp xúc với người bệnh, che miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc mắt, mũi, miệng.

Thông tin trên Báo SK&ĐS, tiến sĩ Greg DeMuri, Giáo sư tại Đại học Y khoa và Y tế Công cộng thuộc Đại học Wisconsin (Mỹ) cho biết, adenovirus thường gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa và đã được biết là gây ra bệnh viêm gan trong quá khứ.

Theo Tiến sĩ DeMuri, không phải trường hợp bệnh nhân nào bị viêm gan cũng phải đi xét nghiệm adenovirus. "Tuy nhiên, bây giờ các bác sĩ lâm sàng cần làm điều đó" – Tiến sĩ DeMuri khẳng định, đồng thời lưu ý rằng một số đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu các công cụ chẩn đoán tốt hơn so với xét nghiệm máu truyền thống để xác định chính xác nguyên nhân của các đợt bùng phát.

"Chúng tôi cần biết: Đây có phải là một loại virus đột biến, một biến thể dễ lây nhiễm hơn và có nhiều khả năng gây nhiễm trùng ở gan hơn hay đây chỉ là một sự xuất hiện ngẫu nhiên?" – Tiến sĩ DeMuri cho hay.

Theo CDC, viêm gan là tình trạng gan bị viêm do vô số nguyên nhân, bao gồm nhiễm virus, sử dụng rượu, chất độc, thuốc men và một số tình trạng y tế khác. Trong khi đó, các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm gan bí ẩn có thể bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, phân màu nhạt, đau khớp và vàng da.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/viet-nam-chua-ghi-nhan-tre-mac-viem-gan-cap-tinh-khong-ro-nguyen-nhan-WgqaoIlnR.html