'Việt Nam cần nâng cấp độ phòng chống dịch COVID-19'

ngày 29/04/2021

Nguy cơ lớn phát tán nguồn bệnh trong cộng đồng

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, hiện nay tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang rất trầm trọng với số ca nhiễm tăng cao. Xung quanh Việt Nam, các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Thái Lan, Phillipines dịch cũng đã bùng phát, các ca lấy nhiễm cộng đồng lớn. Theo BS Nguyễn Hồng Hà, điều đáng lo ngại hiện nay, người dân ở các nước lân cận với nước ta sẽ tìm mọi cách về nước vì vậy nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất cao.

Ông Hà cho biết, Việt Nam và Campuchia có đường biên giới rất dài, 2.067 km, đi qua 10 tỉnh của nước ta. Đặc biệt, đường biên giới trên biển rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, người dân giao lưu, đi lại nhiều. Người Việt Nam sống bên Campuchia cũng đông. Chuyên gia này cảnh báo đây là nguy cơ lớn dễ phát tán nguồn bệnh trong cộng đồng.

(Ảnh minh họa)

“Chỉ một ca mắc chủng mới lây lan nhanh, sau thời gian ngắn có thể bùng dịch rất mạnh”- ông Hà nói.

Nâng cao phòng, chống dịch lên một bước

ThS.BS Nguyễn Hồng Hà cũng nêu rõ, qua các đợt dịch trước, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, luôn đề cao cảnh giác. Đặc biệt, những ngày gần đây khi nhìn thấy nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo chặt chẽ mọi lực lượng, các ngành chức năng từ việc giám sát biên giới; đồng thời huy động chính quyền địa phương, người dân khu vực biên giới và cả nước, tăng cường cảnh giác, khai báo, phát hiện khi có trường hợp nghi ngờ.

Ông cũng cho biết, Bộ Y tế cũng đã triển khai các đoàn công tác tập trung kiểm tra, công tác chống dịch ở các tỉnh khu vực Tây Nam bộ, tất cả đều phải nâng cấp độ chống dịch lên một bước, chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, hỗ trợ các tỉnh vùng biên giới nâng cao năng lực điều trị.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cũng cho rằng, chúng ta cần phải chủ động. Việc dự phòng phải đi trước một bước. Nếu Việt Nam không chủ động phát hiện sớm ca bệnh, sẽ rất nguy hiểm.

“Với các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nếu chúng ta phát hiện được và cách ly ngay thì không sao. Ngược lại, để lọt những ca đó vào cộng đồng, đi lại trong dân cư sẽ nhanh chóng tạo thành các ổ dịch”- ông Phu cho hay.

PGS Phu cũng cho rằng, hiện nay, năng lực của Việt Nam khá hơn rất nhiều về kinh nghiệm trong ngăn chặn, phát hiện, cách ly khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Đến nay, ngành y tế tự chủ được nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Tất cả phải sẵn sàng mới có thể đáp ứng khi bùng dịch. Đặc biệt, chúng ta không chỉ cần sẵn sàng về cơ sở vật chất mà cả con người.

Ông cũng lưu ý các địa phương không chỉ quan tâm đến cơ sở cách ly, mà còn cần chú trọng đến đội ngũ cán bộ, người có năng lực, trình độ về quản lý, cách ly để tránh sự lây nhiễm chéo trong các khu này. “Chúng ta phải có kịch bản, diễn tập để phòng khi có ca bệnh, sẽ thực hiện cách ly và đối phó được ngay. Mỗi địa phương phải chủ động, thực hiện phương châm "4 tại chỗ", tránh bị động khi dịch bùng phát, sẽ rất nguy hiểm”- ông Phu nêu rõ.

Bên cạnh đó, chuyên gia Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam cũng cần truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền địa phương để phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp và ca bệnh dương tính. Các địa phương phải kích hoạt trạng thái như tình hình đang có dịch.

Theo PGS Nguyễn Hồng Hà, người dân cũng phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đây là biện pháp cực kỳ hiệu quả, là chìa khóa rất quan trọng không thể không thực hiện trong giai đoạn này./.

Nguồn VOV