Tự ý sử dụng kháng sinh: Thói quen vô cùng nguy hiểm

ngày 26/11/2019

Hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động hàng năm trên toàn thế giới, giới chuyên gia, các bác sĩ đã nhắc lại “câu chuyện cũ” đã khiến xu hướng kháng thuốc gia tăng và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại.

Nguy hiểm nhưng vẫn tự ý sử dụng kháng sinh

Đây là thói quen sử dụng thuốc vô cùng nguy hiểm mà hầu như người Việt nào cũng có. Dù biết hậu quả của tự ý sử dụng thuốc và lạm dụng kháng sinh, nhưng thói quen này rất khó loại bỏ. GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng bệnh nhân tự mua thuốc kháng sinh để sử dụng vẫn còn, dù có giảm so với trước đây. Vẫn có những trường hợp người bệnh khi thấy có dấu hiệu hơi ho, hơi sốt… sẽ ra hiệu thuốc để mua kháng sinh uống theo tư vấn của người bán thuốc. Có người mua lại những loại thuốc đã được bác sĩ kê đơn nhiều năm trước đây.

GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

GS.TS Ngô Quý Châu khuyến cáo việc tự mua thuốc tự điều trị, người bệnh sẽ mua thuốc không phù hợp về nhiều mặt, nhất là về liều lượng. Ví dụ, một liều kháng sinh cần 3gram/ngày, nhưng người bệnh chỉ dùng nửa liều.

“Cách dùng thuốc như vậy rất nguy hiểm, bởi vì khi thuốc không đủ liều, vi khuẩn sẽ thích nghi với kháng sinh và không bị tiêu diệt. Đây là nguyên nhân xuất hiện những loại vi khuẩn kháng kháng sinh. Hay có những bệnh nhân dùng thuốc 1-2 hôm thấy đỡ bệnh nên dừng uống thuốc. Thông thường liều kháng sinh là 5 ngày, và liều dài ngắn là tùy từng loại bệnh. Khi dùng thuốc chưa đủ thời gian cũng gây ra tình trạng kháng thuốc”, ông Châu nói.

WHO đã khẳng định nỗ lực bảo tồn kháng sinh, để giữ kháng sinh có hiệu lực cho các thế hệ tương lai. Thách thức không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tính toàn cầu là việc nhận thức của người dân về việc sử dụng kháng sinh.

TS. Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi rất quan tâm tới chủ đề kháng kháng sinh tại Việt Nam. Việc phát động các chương trình, chiến dịch quốc về chủ đề kháng kháng sinh và cải thiện tình trạng kháng kháng sinh là trọng tâm WHO muốn thực hiện tại Việt Nam. Ở góc độ giám sát, chúng tôi đã tổ chức các chương trình đánh giá, quan sát việc sử dụng kháng sinh tại các bệnh viện. WHO đã phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam phát động chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại các bệnh viện và có khoảng 50% các bệnh viện tại Việt Nam tham gia”.

Ông cũng Kidong Park cũng nêu thách thức toàn cầu trong cuộc chiến này: “Có hai số liệu mà chúng ta đang thiếu là có bao nhiêu vi khuẩn đã kháng thuốc và kháng với những loại kháng sinh nào. Số liệu thứ hai là tần suất sử dụng và loại kháng sinh nào được sử dụng nhiều nhất. Chưa có thống kê bao nhiêu % thuốc kháng sinh đã bị dùng sai liều, bị lạm dụng và dùng sai chỉ định”.

FAO khuyến cáo sử dụng tối ưu kháng sinh trong chăn nuôi

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành nông nghiệp, đặc biệt từ năm 2000 đến nay, đã rất quan tâm, chú trọng và quản lý và phòng chống kháng kháng sinh. Theo đó, tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi và người nuôi trồng thủy sản sử dụng hiệu quả kháng sinh. Chính phủ và Bộ Nông nghiệp cũng đã đưa ra lộ trình dừng việc sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn cho vật nuôi là gia súc, gia cầm và thủy sản.

“Chúng tôi đang hoàn thiện cơ sở pháp lý của Luật Thú y và Luật Chăn nuôi - là hai bộ luật liên quan trực tiếp đến phòng chống dịch bệnh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, là tăng cường và quản lý chặt việc nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh để sản xuất các thành phẩm thuốc thú y dùng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tăng cường giám sát, ví dụ như trước khi thu hoạch trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở thu mua sẽ yêu cầu lấy mẫu kiểm tra xem các thủy sản có tồn dư kháng sinh, đặc biệt là các loại kháng sinh nguy hiểm. Quy trình này cũng tương tự như trong chăn nuôi. Kể cả với những sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng phải lấy mẫu kiểm tra tác nhân dịch bệnh và dư lượng về kháng sinh hay các hóa chất khác theo quy định của Việt Nam và quốc tế”.

FAO cam kết cùng Việt Nam kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi.

Điều phối viên cao cấp của FAO tại Việt Nam, TS. Pawin Padungtod cũng khẳng định rằng: “Kháng sinh không phải lúc nào cũng là câu trả lời cho các bệnh truyền nhiễm ở động vật. Do đó, việc người nông dân, người bán thuốc và ngay cả bác sĩ thú y nhận thức rõ hơn về những nguy cơ do kháng thuốc gây ra và sử dụng kháng sinh có trách nhiệm là hết sức quan trọng. Việc này không chỉ để bảo vệ sức khỏe của động vật, con người mà còn để duy trì sự hiệu quả của kháng sinh trong việc điều trị các bệnh ở động vật”.

Theo ông Padungtod, việc tạo ra vật nuôi khỏe mạnh và năng suất cao là hoàn toàn có thể bằng cách áp dụng các biện pháp chăn nuôi tốt, an toàn sinh học hiệu quả và có kế hoạch tiêm phòng tốt.

FAO sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong việc tối ưu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, đảm bảo môi trường sinh học và an toàn chăn nuôi và nông nghiệp. Vị đại diện của FAO khẳng định rằng, việc sử dụng kháng sinh đúng cách trong chăn nuôi đem lại lợi ích đầu tiên và trực tiếp cho người nông dân./.


Nguồn: Báo VOV