Trẻ mắc COVID-19 tăng vọt tại TP.HCM, nhưng ít bệnh nhi phải nhập viện

ngày 17/03/2022

Tại TP.HCM, số trẻ mắc COVID-19 gia tăng nhưng số trẻ phải nhập viện điều trị rất thấp. Nhiều phụ huynh vì quá lo lắng, mặc dù triệu chứng của con nhẹ nhưng vẫn đưa đến bệnh viện để khám, gây ra tình trạng đông đúc tại các bệnh viện nhi.

Trẻ F0 tăng vọt

Chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM có 2 con nhỏ học mẫu giáo và tiểu học, lần lượt mắc COVID-19. Tuần trước, con gái nhỏ là F0, chị Phượng lo lắng nên cho bé đi bệnh viện, nhưng bác sĩ đánh giá tình hình sức khỏe ổn định.

Lần này đến lượt con gái lớn mắc bệnh, chị chỉ theo dõi sức khỏe tại nhà và điều trị theo triệu chứng: “Triệu chứng thức bé bị là đau đầu, sốt, ho. Bé sốt thì mẹ cho uống thuốc hạ sốt, bé ho thì có dẫn bé đi bác sĩ thì cho thuốc viêm họng, có triệu chứng nào thì mình điều trị cái đó. Qua 7 ngày là bé khỏi nhưng ho thì vẫn còn”.

Xếp hàng dài chờ test để khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1 khi trẻ có triệu chứng.

Khu khám sàng lọc COVID-19 của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM là một khu vực riêng dành để tiếp nhận bệnh nhi F0 với 4 bàn khám, hoạt động 24/24 giờ. Những ngày gần đây, các bác sĩ liên tục nhận bệnh, trung bình một bàn khám tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi F0 mỗi ngày. Tính từ đầu tháng 3 đến nay, số trẻ là F0 đến khám tăng cao. Riêng ngày 11/3, bệnh viện có hơn 550 trẻ là F0 đến khám, trong khi trước Tết mỗi tuần chỉ khoảng 20 - 30 trẻ là F0 đến khám.

Tuy nhiên, trong hơn 500 bệnh nhi này không có trường hợp nào phải nhập viện, tất cả được cho theo dõi, điều trị tại nhà. Những bệnh nhi phải nhập viện thường có bệnh nền kèm theo.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, so với thời điểm trẻ còn học online, số trẻ nhập viện điều trị hiện tăng gấp 4 - 5 lần, nhưng đều nằm trong tầm kiểm soát. Trung bình chưa đến 10% bệnh nhi nặng trong số các trẻ có triệu chứng, phải điều trị tại khu hồi sức cấp cứu, hầu hết có bệnh nền kèm theo. Bệnh viện này đã chuẩn bị phương án trưng dụng số giường tại khoa hô hấp trong tình huống số trẻ mắc COVID-19 nhập viện tăng trong thời gian tới.

Số F0 cũng gia tăng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trung bình mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận 1.100 - 1.200 bệnh nhi, trong đó có 500 - 600 trẻ có triệu chứng nghi ngờ như ho, sốt, sổ mũi... Qua sàng lọc cho thấy có khoảng 50% tổng số trẻ có triệu chứng nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2, tăng 40% so với thời điểm trẻ chưa đi học trực tiếp.

Sẵn sàng công tác thu dung

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, trẻ em mắc COVID, nhất là chủng Omicron hiện nay đa số rất nhẹ. Một số trẻ bị sốt cao trong 2 ngày đầu, thậm chí có thể kèm lạnh run, nhưng không có nghĩa là nặng. Còn một số trường hợp trẻ đau đầu, nôn ói nhưng sau đó cũng tự hết. Việc cần làm là cho trẻ uống đủ nước, nếu ho thì tiếp tục cho uống thuốc ho. Phần lớn trẻ em ổn định sức khỏe sau 48 giờ.

Với những trẻ không mắc bệnh nền, cha mẹ có thể đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế tuyến dưới, không cần phải đưa đến các bệnh viện nhi, tránh tình trạng quá tải. Bác sĩ Trương Hữu Khanh lưu ý việc theo dõi tại nhà cho trẻ cũng căn cứ vào các triệu chứng như trẻ đã từng bị, như sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy…

“Đặc biệt, trẻ nhỏ từ 8-9 tuổi trở lên nếu sốt quá cao, có thể tay lạnh thậm chí là run nữa, thì các bậc phụ huynh cứ bình tĩnh cho thuốc hạ sốt. Một điều mà mọi người cũng rất sợ là em bé hồi nhỏ có co giật. Chúng ta nhớ là chỉ có tuổi từ 6 tháng đến dưới 6 tuổi thì mới có co giật trở lại khi sốt, cần phải tăng cường lau mát, uống thuốc cho đúng liều”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói.

Theo Sở Y tế TP.HCM, số trẻ mắc COVID-19 trên địa bàn tăng giữa các tuần dao động 12.000 - 16.000 ca. Sở này đã yêu cầu các bệnh viện nhi (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố) tăng số giường điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức). Các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi cũng phải tổ chức khám, sàng lọc, điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế; sẵn sàng thu dung, điều trị các trường hợp trẻ mắc COVID-19 mức độ trung bình và mức độ nhẹ đối với các trẻ không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Bên cạnh đó rà soát, chủ động chuẩn bị cơ số giường nội trú ở khu vực điều trị COVID-19 (tối thiểu 30%-50% tổng số giường) để điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 tại bệnh viện. Các bệnh viện chỉ chuyển tuyến trong trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển nặng, hội chẩn với bệnh viện nhi tuyến trên trước khi chuyển viện.

Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM kiểm tra công tác phòng chống dịch tại trường tiểu học, Quận 7. (Ảnh: HCDC)

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Ngành y tế và ngành giáo dục đã họp và triển khai các hoạt động. Chúng ta đã có hướng dẫn việc xử lý F0 trong các trường học, cũng như có những kịch bản tương ứng, phối hợp cùng sở giáo dục để có thể đáp ứng phù hợp với điều kiện tình hình dịch bệnh”.

Theo Sở Y tế TP.HCM, F0 là trẻ em gia tăng ảnh hưởng đến những người thuộc nhóm nguy cơ (người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch…). Vì vậy, TP.HCM tiếp tục mở đợt cao điểm bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có mở rộng thêm nhóm trẻ em, đặc biệt trẻ chưa được tiêm chủng (dưới 12 tuổi), trẻ mắc các bệnh nền và béo phì nhằm giảm tỉ lệ tử vong xuống mức thấp nhất./.

Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/tre-mac-covid-19-tang-vot-tai-tphcm-nhung-it-benh-nhi-phai-nhap-vien-post930940.vov