Ảnh quảng cáo thực phẩm chức năng trị ung thư.
Chia sẻ "chữa khỏi ung thư" trên mạng xã hội rất nguy hiểm
Một người tự giới thiệu tên Ly chia sẻ câu chuyện chữa khỏi ung thư bằng thực phẩm chức năng. Trước đó chị Ly là bệnh nhân ung thư đã hóa trị, xạ trị. Chị cho rằng bệnh ung thư không có thuốc nào chữa khỏi. Chị Ly được bạn gửi tặng sản phẩm thực phẩm chức năng N. và chị dùng thử.
Từ chỗ chỉ thử, chị Ly đã không ngần ngại chia sẻ việc mình đã điều trị ung thư thành công nhờ thực phẩm chức năng.
"Ly dùng theo cái liều S. đưa cho là mỗi ngày uống 15 ml. Sau 1 tháng là Ly thấy khỏe, Ly cũng không hiểu, rồi sau 2 tháng dùng hết 4 hộp là Ly thấy thay đổi lắm luôn da dẻ hồng hào, đi xét nghiệm thấy chỉ số ung thư giảm hẳn" – chị Ly nói.
Câu chuyện của Ly được cả nghìn lượt chia sẻ và mọi người đều tin bởi chị Ly giới thiệu là cán bộ y tế dự phòng đang sống tại Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia những câu chuyện chia sẻ như trên rất nguy hiểm, nếu như bệnh nhân ung thư điều trị theo.
Một bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu, TP.HCM cho rằng không lạ lẫm gì khi các công ty bán thực phẩm chức năng đua nhau dẫn ra các trường hợp chữa khỏi bệnh nhờ sản phẩm của họ.
Nghe qua trường hợp của chị Ly, bác sĩ này cho rằng chị Ly bị ung thư thật, đã xạ trị, hóa trị và trong thời gian phục hồi cơ thể có sử dụng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, việc tế bào ung thư không còn là do tác dụng của cả quá trình xạ trị, hóa trị chứ không phải là do thực phẩm chức năng mang lại.
Việc chị Ly chia sẻ như thế rất nguy hiểm cho các bệnh nhân khác đang điều trị vì có thể sẽ khiến họ sẽ bỏ bệnh viện về nhà tìm mua các loại thực phẩm không được nghiên cứu bài bản để điều trị ung thư.
Thực hư như thế nào?
TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện nghiên cứu Ung thư quốc gia, City of Hope, California, USA cho biết khi nghe câu chuyện của Ly, anh đã tìm hiểu về sản phẩm mà chị Ly đã sử dụng, kết quả hết sức bất ngờ. Loại thực phẩm chức năng trong câu chuyện thần kỳ của chị Ly là flavonoid.
Flavonoid là nhóm các hợp chất thứ cấp từ thực vật có trong nhiều loại trái cây, rau và một số loại hạt. Hiện nay, có hơn 6000 hợp chất flavanoid đã được xác định.
Trên một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy flavonoid có khả năng ức chế một số loại tế bào ung thư như vú, phổi, tuyến tiền liệt, ung thư đại tràng, ung thư máu nhưng nghiên cứu chỉ trên chuột chứ "chưa hề có kết quả nào cho thấy hiệu quả trên người".
TS. Vũ cũng trực tiếp trao đổi qua lại trên trang N., những chứng cứ mà trang này đưa ra biện hộ chỉ là những bài báo khoa học cho thấy hiệu quả trên "tế bào trong phòng thí nghiệm", chứng cứ này những người trong ngành sẽ hiểu nó giá trị đến đâu.
Theo TS. Vũ mỗi năm trên thế giới có hàng ngàn chất như thế được tìm thấy có triển vọng điều trị ung thư nhưng để đến ứng dụng được trên con người chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong phòng nghiệm việc bỏ một chất vào tế bào ung thư "một cách trực tiếp" chỉ là khảo sát bước đầu. Khi đưa một chất để điều trị ung thư vào người thì khó khăn gấp vạn lần.
Thí nghiệm trên người bước qua rất nhiều rào cản, nếu qua đường uống thì người ta còn phải tính toán bao nhiêu phần trăm được hấp thu qua máu tính axit cao của bao tử và dịch ruột có thể phân hủy chúng dễ dàng.
Khi chất đó vào máu còn phải xem xét thuốc duy trì được trong bao lâu, duy trì được trong máu một thời gian thì có đến được khối u hay không một thuốc trị được ung thư hiệu quả phải vượt qua tất cả những rào cản ấy và chứng minh được tính "hiệu quả" và "an toàn" cho người bệnh.
TS. Vũ cho rằng người bệnh không nên vì những điều chia sẻ của người cùng bệnh mà bỏ qua các cơ hội điều trị và chạy theo quảng cáo tiền mất, tật mang.