Căn bệnh khiến Tổng giám đốc Đài truyền hình TPHCM tử vong nguy hiểm ra sao?

ngày 07/03/2022

Được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp, tắc động mạch vành bên phải, dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng ông Dương Thanh Tùng, Tổng giám đốc Đài truyền hình TPHCM không qua được nguy kịch. Bác sĩ cho biết, đây là căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong, thậm chí, có thể đột tử bất cứ lúc nào, tuy nhiên, bệnh có thể chủ động phòng ngừa.

Một trường hợp bị nhồi máu cơ tim được bác sĩ can thiệp thành công (video: TS.BS Trần Hòa cung cấp)

Sáng 7/3, thông tin ông Dương Thanh Tùng, Tổng giám đốc Đài truyền hình TPHCM đột ngột qua đời khiến người thân và đồng nghiệp bàng hoàng, xót xa. Trước đó vào chiều 6/3, ông được chuyển đến một bệnh viện trên địa bàn TPHCM cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Dù bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, đặt ECMO những ông đã vĩnh viễn ra đi với chẩn đoán “tắc động mạch vành bên phải”.

Để tìm hiểu về căn bệnh vừa cướp đi sinh mệnh của Tổng giám đốc Đài truyền hình TPHCM, phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với TS.BS Trần Hòa, Trưởng Đơn vị Can thiệp Nội mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Ông cho biết, nếu đúng theo chẩn đoán, người bệnh có thể đã bị đột tử, nguyên nhân là do nhồi máu cơ tim cấp. Đây là tình trạng hoại tử một phần cơ tim do giảm sút đáng kể lượng máu cung cấp đến cơ tim một cách đột ngột. Đa số các trường hợp nhồi máu cơ tim là do tắc nghẽn một trong các động mạch nuôi quả tim bởi cục máu đông hình thành từ những mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành.

Theo thống kê, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 2,5 triệu người tử vong do nhồi máu cơ tim. Ở Việt Nam, tỷ lệ người bệnh bị nhồi máu cơ tim những năm gần đây tăng vọt và đang ngày càng trẻ hóa, trung bình năm sau cao hơn năm trước 15 đến 20%.

Phân tích chuyên môn của TS.BS Trần Hòa chỉ ra: “Cơ thể có 3 động mạch vành để nuôi tim, nhồi máu cơ tim cấp là do sự tắc nghẽn một trong số các động mạch này, làm cho vùng cơ tim phía dưới mạch máu bị tổn thương, hoại tử và chết đi. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng tắc nghẽn mạch máu nuôi tim là do một mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành bị tróc ra, tạo thành những cục máu đông làm nghẽn mạch máu”.

Có hai nhóm yếu tố nguy cơ ở những người mắc bệnh nhồi máu cơ tim. Thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được gồm: người nhà có bệnh sử tim mạch; người lớn tuổi (nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi); nam giới dễ bị nhồi máu cơ tim hơn nữ giới. Thứ hai là nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được gồm: hút thuốc lá; bệnh béo phì; người có lối sống thiếu vận động thể lực; tăng huyết áp, rối loạn lipid trong máu (mỡ máu cao); đái tháo đường. Các yếu tố trên khiến bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, hẹp động mạch vành dẫn đến bệnh thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp.

Các biểu hiện của nhồi máu cơ tim có thể dễ dàng nhận diện là tình trạng đau ngực. “99% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp đều có biểu hiện lâm sàng bởi tình trạng đau ngực cấp. Bệnh nhân thường đau đột ngột ở phía sau xương ức ngực trái, cũng có thể đau lan lên cằm, cánh tay trái khiến bệnh nhân không chịu nổi, có cảm giác như muốn ngất hoặc đau muốn chết kèm theo đó là tình trạng khó thở. Cơn đau có thể kéo dài khoảng 30 phút, tất cả các giải pháp hỗ trợ như cạo gió, xoa bóp đều không mang lại kết quả” - TS Trần Hòa nói.

TS Trần Hòa cho biết thêm: một số trường hợp nhồi máu cơ tim cấp thành dưới nhưng không đau ngực, người bệnh có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng vùng thượng vị, nôn ói… Trường hợp đó khiến người bệnh và đôi khi cả nhân viên y tế nghĩ là đau dạ dày và có thể gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị muộn.

Nhồi máu cơ tim là căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong, thậm chí đột tử bất cứ lúc nào (ảnh: minh họa).

Những người càng có nhiều yếu tố nguy cơ (nêu trên) thì bệnh lý bị nhồi máu cơ tim luôn ở mức cao. Khi có biểu hiện, bệnh nhân cần nhập viện càng sớm càng tốt. Hiện nay, với sự phát triển của y học, bệnh nhân nhồi máu cơ tim có thể được can thiệp tái thông chỗ tắc bằng phương pháp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp nội mạch qua da, đặt stent ở trí bị tắc nghẽn ở động mạch vành, khai thông dòng chảy của mạch máu để nuôi vùng cơ tim phía dưới.

Một số trường hợp bác sĩ có thể cân nhắc phương án phẫu thuật, tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải có nhiều thời gian và can thiệp xâm lấn nên hiện nay ít được thực hiện. Thời gian vàng để can thiệp cho một trường hợp bị nhồi máu cơ tim là 12 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng.

Lý giải nguyên nhân tử vong trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim, TS Trần Hòa cho biết: “Ngay sau nhồi máu cơ tim, người bệnh có thể bị ngừng tim do rối loạn nhịp thất và có thể gây tử vong nhanh chóng. Một số biến chứng khác có thể làm người bệnh trở nặng gây tử vong như : suy tim cấp gây choáng tim, vỡ tim”. Việc nhập việc sớm còn để theo dõi và xử trí các biến chứng có thể gây chết người nhanh chóng như rối loạn nhịp hay tụt huyết áp.

Những trường hợp được can thiệp thành công sau khi mắc bệnh nhồi máu cơ tim vẫn có thể bị tái phát trở lại. Bên cạnh việc hỗ trợ điều trị bệnh lý, bệnh nhân cần được phối hợp điều trị các yếu tố nguy cơ khác như huyết áp, mỡ trong máu cao, đái tháo đường, bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, ăn kiêng chất ngọt, kiêng chất béo.

Khám sức khỏe định kỳ và có lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, tăng cường vận động thể lực là giải pháp được bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Hiện nay, trên cả nước đã có nhiều bệnh viện, nhiều trung tâm có thể triển khai tốt kỹ thuật can thiệp cấp cứu mạch vành. Sau cơn đau ngực kéo dài, người bệnh nên nhập viện càng sớm càng tốt sẽ gia tăng cơ hội được cứu sống.

Nguồn: https://tienphong.vn/can-benh-khien-tong-giam-doc-dai-truyen-hinh-tphcm-tu-vong-nguy-hiem-ra-sao-post1421349.tpo