Tìm thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và rối loạn nhịp tim

ngày 03/06/2022

Các nhà nghiên cứu vừa tìm thấy mối tương quan giữa những ngày có mức độ ô nhiễm không khí cao với chứng loạn nhịp tim.

Những ngày có mức độ ô nhiễm không khí cao là lúc hầu hết các chứng loạn nhịp tim xảy ra.

Nghiên cứu mới vừa được trình bày tại đại hội 2022 của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC), đã so sánh những ngày mà bệnh nhân mắc chứng loạn nhịp thất cao hơn với những ngày mà các nhà khoa học ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí cao hơn.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã cấy ghép máy khử rung tim cấy được (ICD) cho những bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim để không chỉ giúp điều chỉnh lại nhịp tim, mà còn cung cấp cho các nhà nghiên cứu một cách để theo dõi sự xuất hiện của rối loạn nhịp tim, hoặc nhịp tim bất thường, với hy vọng xác định những yếu tố nào có khả năng gây ra chứng loạn nhịp tim.

Kết quả, các nhà nghiên cứu nhận thấy mối tương quan: Những ngày có mức độ ô nhiễm không khí cao là lúc hầu hết các chứng loạn nhịp tim xảy ra.

Tiến sĩ Franco Folino, thuộc Khoa Khoa học Tim mạch, Lồng ngực và Mạch máu tại Đại học Padova, Italia, cho biết: "Thiết bị khử rung tim cấy được, cũng như nhiều máy tạo nhịp tim, là những thiết bị hiệu quả không chỉ để điều trị rối loạn nhịp tim mà còn có khả năng theo dõi nhịp tim 24 giờ một ngày".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Folino - người không tham gia vào nghiên cứu, lưu ý rằng những bệnh nhân được quan sát có thể có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm.

Nghiên cứu đã theo dõi hoạt động của ICD ở 146 người đã được cấy ghép từ tháng 1/2013 - tháng 12/2017. Trong nhóm này, 67 người đã từng bị rối loạn nhịp thất trước đó và 79 người thì không.

Cơ quan Môi trường Khu vực đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu số liệu hàng ngày về PM 2.5, PM 10, carbon monoxide (CO), nitrogen oxide (NO2) và ozone (O3).

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 440 trường hợp loạn nhịp thất. Sử dụng thuốc suy tim ATP cho 322 trường hợp trong số này, trong khi ICD điều chỉnh nhịp tim 118 trường hợp.

Nghiên cứu cho thấy cứ tăng 1 μg /m3 mức PM2.5 tương ứng với tăng 1,5% nguy cơ loạn nhịp tim.

Khi nồng độ PM 2,5 vẫn tăng 1 μg /m3 trong suốt một tuần, rối loạn nhịp thất thường xuyên hơn 2,4%. Đối với nồng độ PM 10, mức tăng hàng tuần tương ứng với rối loạn nhịp thất nhiều hơn 2,1%.

TS Folino nói rằng nghiên cứu trên đã nhấn mạnh phải nhìn nhận ô nhiễm không khí như một yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tim mạch.

"Ô nhiễm không khí phải được xem xét giống như bất kỳ yếu tố nguy cơ tim mạch nào khác, chẳng hạn như hút thuốc, tăng huyết áp hoặc tăng cholesterol trong máu. Khi chúng ta chống lại những yếu tố nguy cơ này, chúng ta phải hành động để ngăn chặn những người có nguy cơ tim mạch cao tiếp xúc với ô nhiễm không khí" – TS Folino khẳng định.

Nguồn: suckhoedoisong.vn