Tốc độ lây lan nhanh hơn
Trong khi các quốc gia bắt đầu bước vào mùa đông, thế giới đang chứng kiến SARS-CoV-2 đang “tăng tốc” khi mức độ lây lan của nó đang nhanh và mạnh hơn. Mỹ đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ 3 trong khi các nước châu Âu quay cuồng ngăn chặn dịch bệnh, một số đã áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa đất nước lần 2.
Số ca mắc bệnh và nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ đang gia tăng trở lại, điều này càng khẳng định làn sóng dịch thứ 3 đang diễn ra như các chuyên gia đã cảnh báo trước đó. Tỷ lệ mắc bệnh trung bình tại Mỹ ghi nhận hơn 55.000 trường hợp mỗi ngày - tăng hơn 60% kể từ mức giảm vào giữa tháng 9. Tiến sĩ Anthony Fauci - Chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cảnh báo: “Với tính chất của dịch bệnh đang xảy ra, xét cả về mức độ lây lan và sự gia tăng số ca nhiễm bệnh, tôi nghĩ rằng mọi người nên hết sức cẩn trọng đối với các cuộc tụ họp xã hội, đặc biệt khi các thành viên gia đình có thể gặp rủi ro do tuổi tác hoặc bệnh lý nền.” Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, cho biết sẽ có nhiều trường hợp nhập viện hơn do sự gia tăng số ca tử vong do COVID-19 hàng ngày.
Dịch bệnh tại châu Âu cũng diễn biến phức tạp. Làn sóng lây nhiễm mới tại châu Âu rất đáng lo ngại khi hơn 50% các nước Liên minh châu Âu (EU) đang ở mức cảnh báo đỏ về COVID-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng trong tuần thứ hai của tháng 10, số ca mắc COVID-19 được xác nhận tại châu Âu tăng cao gần gấp 3 lần so với thời điểm đỉnh dịch đầu tiên trong tháng 3 năm nay. Hội Chữ thập đỏ châu Âu cho biết, ở lục địa già này ghi nhận hơn 7 triệu người dương tính với COVID-19, gần 250.000 người thiệt mạng.
Một số nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Đức, Anh và Italy đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch với hy vọng sẽ tránh được việc phải áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng. Tại Anh, nhiều chuyên gia y tế đang kêu gọi áp dụng một lệnh phong tỏa toàn quốc khi mà vùng England đang chứng kiến mức lây nhiễm đáng báo động. Trước tình hình này, nhiều nước đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn là làm thế nào để kiểm soát được dịch bệnh mà không phải trả cái giá quá đắt về kinh tế-xã hội do biện pháp phong tỏa.
Sinh kế người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 1 triệu người trên thế giới thiệt mạng, đặt ra một thách thức chưa từng có đối với sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm và sinh kế của người dân. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự gián đoạn kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra rất tàn khốc, sẽ khiến hàng chục triệu người có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo khó cùng cực, hàng triệu người bị thiếu dinh dưỡng, ước tính là gần 690 triệu người và có thể tăng lên tới 132 triệu người vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, hàng triệu doanh nghiệp phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu, khoảng một nửa trong số 3,3 tỷ lực lượng lao động toàn cầu của thế giới có nguy cơ mất kế sinh nhai. Những người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức đặc biệt dễ bị tổn thương vì đa số không được bảo trợ xã hội và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
Cơ quan LHQ lo ngại, khi nhiều nước kinh tế bị gián đoạn do các biện pháp phong tỏa hay giãn cách phòng chống dịch, người dân không thể làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình của họ, điều này có nghĩa là không có thức ăn, hoặc điều kiện dinh dưỡng không được đảm bảo, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân, nhiều người lâm vào cảnh đi vay nợ, bị lạm dụng, hoặc trẻ em phải tham gia vào lực lượng lao động...
Mới đây, các cơ quan LHQ đã ra Tuyên bố trong đó kêu gọi các chính phủ cần có các hình thức hỗ trợ khác nhau cho các đối tượng, trong đó ưu tiên những người yếu thế, người có công việc được trả lương thấp, trẻ em... Nhằm ứng phó tốt hơn với dịch bệnh còn lâu dài phía trước, đảm bảo hỗ trợ nhân đạo đến những người cần nhất...Hơn lúc nào hết, LHQ cần một sự đoàn kết và hỗ trợ toàn cầu, chỉ có cùng nhau, chúng ta mới có thể vượt qua đại dịch và ngăn chặn nó không gây ra các thảm họa nhân đạo.