Số ca nhiễm và tử vong ở các nước lần đầu vượt Trung Quốc

ngày 16/03/2020

Mỹ thử nghiệm lâm sàng vaccine kháng virus corona

Quan chức chính phủ Mỹ cho biết quá trình thử nghiệm đánh giá lâm sàng vaccine kháng virus corona sẽ bắt đầu từ ngày 16/3. Nhóm tình nguyện viên đầu tiên sẽ nhận vaccine trong ngày. Cơ quan cấp quỹ cho cuộc thử nghiệm là Viện Y tế Quốc gia.

Buổi tiêm thử nghiệm sẽ diễn ra tại Viện Y tế Kaiser Permanente ở Seattle, bang Washington, AP dẫn nguồn tin giấu tên trong chính phủ Mỹ.

Đợt thử nghiệm lâm sàng đầu tiên cho vaccine có 45 tình nguyện viên tham gia. Tất cả đều là người trẻ và có tình trạng sức khỏe tốt. Các tình nguyện viên sẽ nhận những liều lượng vaccine khác nhau, do Viện Y tế Quốc gia và công ty Moderna phối hợp phát triển.

Ca nhiễm và tử vong ở các nước lần đầu vượt Trung Quốc

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm trên toàn thế giới ngoại trừ Trung Quốc đã vượt mốc 86.000 trường hợp.

Trong khi đó, con số này ở Trung Quốc đại lục tính đến ngày 16/3 là 80.860 trường hợp. Số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc cũng tăng lên 3.241 người, trong khi Trung Quốc đại lục tính đến cùng ngày đã ghi nhận 3.208 bệnh nhân qua đời vì mắc Covid-19.

Nơi có số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới vẫn là Italy với gần 25.000 bệnh nhân và hơn 1.800 ca tử vong. Xếp thứ 3 là Iran với gần 14.000 ca nhiễm và 724 ca tử vong tính đến ngày 15/3.

Châu Âu đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là tâm điểm mới của đại dịch toàn cầu. Pháp đã có 127 ca tử vong và 5.423 bệnh nhân dương tính với virus corona. Trong khi đó, Tây Ban Nha là ổ dịch lớn thứ 2 tại châu lục với hơn 8.000 người mắc bệnh và gần 300 ca tử vong.

Italy có 368 người tử vong/ngày, cao hơn ngày chết chóc nhất ở Hồ Bắc lúc đỉnh dịch

Ngày 15/3, số ca tử vong vì nhiễm virus corona ở Italy nhảy vọt lên 1.809 trường hợp, tăng 368 người chỉ trong một ngày.

Con số này cao hơn cả ngày chết chóc nhất ở Hồ Bắc của Trung Quốc trong giai đoạn đỉnh dịch là 254 ca tử vong ghi nhận trong ngày 12/2.

Số người chết ở nước này tiếp tục tăng một cách đáng báo động. Trong ba ngày liên tiếp, mỗi ngày đất nước Nam Âu này ghi nhận hơn 200 ca tử vong vì virus corona.

Đấu trường Colosseum vắng vẻ tại Rome hôm 15/3 giữa lúc Italy tiếp tục duy trì lệnh phong tỏa trên cả nước để chống dịch. Ảnh: AP.

Italy đã bước sang ngày phong tỏa toàn quốc thứ 6, kể từ khi lệnh được Thủ tướng Giuseppe Conte ban bố vào ngày 9/3 nhằm ngăn chặn đà lây lan của chủng virus corona mới (SARS-CoV-2).

Tuy nhiên, số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng nhanh trong vài ngày qua. Tính đến ngày 16/3, tổng số bệnh nhân dương tính ở nước này đã lên đến 24.747 trường hợp.

Quốc gia Nam Âu cũng đồng thời là nước có số ca nhiễm và ca tử vong cao thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc đại lục.

Thống đốc Attilio Fontana của vùng Lombardy cho biết tình hình dịch bệnh ở khu vực đang ngày một xấu đi. "Chúng tôi tiến gần đến ngưỡng không thể tiếp nhận điều trị cho người bệnh vì không còn giường bệnh trong các khoa hồi sức tích cực", ông cho biết. "Chúng tôi cần thêm máy móc thông khí phổi và trợ thở nhân tạo mà hiện nay đáng tiếc là chưa có thêm. Một khi những máy móc này được nhập về từ nước ngoài, chúng tôi sẽ chuyển sang thế chủ động".

Trong khi đó, Thị trưởng Beppe Sala của thành phố Milan, cũng thuộc vùng Lombardy, cho biết chính quyền địa phương đã liên hệ được với các thành phố lớn ở Trung Quốc để đặt hàng khẩu trang y tế.

Thống đốc vùng Veneto, ông Luca Zaia, kêu gọi người dân duy trì cách ly và tránh đẩy các bệnh viện địa phương vào tình trạng quá tải. "Nếu các bạn không tuân thủ quy định, hệ thống y tế sẽ sụp đổ và tôi buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm", ông cảnh báo.

Tỷ lệ tử vong vì nhiễm virus ở Italy lên đến gần 8%, cao hơn nhiều so với con số 2-4% được ghi nhận tại tâm dịch Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch bệnh từ tháng 12/2019.

Vùng Lombardy ở phía bắc là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh với 1.218 ca tử vong, trong đó 252 bệnh nhân được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua.

Tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số Italy cao nhất châu Âu, với gần 1/4 dân số trên 65 tuổi. Đây cũng là nhóm có rủi ro tử vong cao nhất đối với virus corona.

Quảng trường Römerberg ở Frankfurt, Đức, đã vắng người giữa lúc nước này tiến hành siết chặt biên giới với các nước xung quanh. Ảnh: AP.

Đức đóng cửa biên giới trên bộ với 5 nước

Đức ngày 15/3 tuyên bố đóng cửa phần lớn biên giới trên bộ, khu vực tiếp giáp với các nước Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Đan Mạch và Luxembourg, theo thông báo của Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer.

Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của chính phủ Đức - đã ghi nhận đến 4.838 ca dương tính với virus corona và 12 trường hợp tử vong. Mức tăng ca nhiễm trong vòng 24 giờ lên đến 1.043.

Các biện pháp hạn chế đi lại tại biên giới không áp dụng đối với người đi làm phải qua lại biên giới, cũng như lưu thông hàng hóa giữa Đức và các nước láng giềng.

Chính phủ Đức đồng thời ra lệnh cấm xuất khẩu các trang thiết bị bảo hộ y tế như khẩu trang, găng tay và trang phục chuyên dụng cho nhân viên y tế.

Trường phổ thông và trường mẫu giáo trên toàn quốc tiếp tục đóng cửa đến sau lễ Phục sinh vào tháng 4. Hamburg, Berlin và Cologne ra lệnh đóng cửa tất cả quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim và nhà hát để hạn chế tụ tập đông người.

Trước đó, chính phủ Đức đã cấm tổ chức các sự kiện có hơn 1.000 người tham gia.

Quảng trường Cour Napoléon ở bảo tàng Louvre hoàn toàn vắng bóng người. Thủ tướng Pháp Édouard Philippe thông báo nước này đóng các siêu thị, nhà hàng và địa điểm giải trí từ nửa đêm 15/3 để ngăn chặn đà lây lan của dịch. Ảnh: Getty.

Pháp chuẩn bị "bán phong tỏa" toàn quốc

Theo Reuters, chính phủ Pháp đang chuẩn bị sắc lệnh "bán phong tỏa" toàn quốc nhằm ứng phó dịch bệnh. Động thái này sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội đối với khoảng 66 triệu dân.

Giới chức Pháp lo ngại người dân chưa nhận thức nghiêm túc về tình hình dịch bệnh và các cảnh báo lây nhiễm. Tính đến ngày 15/3, Pháp đã ghi nhận 127 ca tử vong và 5.423 bệnh nhân dương tính với virus corona.

Nguồn tin của Reuters cho biết biện pháp giới nghiêm này sẽ có hiệu lực từ giữa đêm 17/3. Trước đó, Pháp từ ngày 15/3 bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội cứng rắn nhằm kéo phẳng đường cong phát triển của dịch bệnh.

Mọi cơ sở kinh doanh các mặt hang không thiết yếu buộc phải đóng cửa, trừ nhà thuốc và siêu thị. Các địa điểm vui chơi giải trí và tập trung đông người như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và sân vận động thể thao dừng hoạt động.

Thủ tướng Edourad Philippe đã kêu gọi người dân "hy sinh" khi thay đổi thói quen sinh hoạt để ngăn dịch bệnh lan rộng. Tuy nhiên, người dân trong ngày 15/4 vẫn tiếp tục sinh hoạt tại các công viên, bờ sông và địa điểm công cộng tại nhiều thành phố lớn từ Paris đến Marseille.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 16/3 của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới đã vượt mốc 162.000 người, với ít nhất 6.065 ca tử vong. Dịch bệnh đã lan đến 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên mọi châu lục.

Virus corona là gì?

Nó là loại virus mới được đặt tên vì các gai giống như vương miện nhô ra khỏi bề mặt của nó.

Virus corona có thể lây nhiễm cho cả động vật và người và có thể gây ra một loạt bệnh về đường hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng nguy hiểm hơn như Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS).

WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Cơ chế tấn công của virus với tế bào người?

Virus corona đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó xâm nhập vào tế bào, giải phóng ARN và được bộ máy nội tế bào nhân bản cho đến khi tế bào dừng hoạt động.

Nên lo lắng thế nào?

Các đợt bùng phát mới ở châu Á, châu Âu và Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nỗi lo về đại dịch toàn cầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng người Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng virus sẽ lây lan sang nước này.

Làm thế nào để giữ cho bản thân và những người khác an toàn?

Rửa tay thường xuyên là điều quan trọng nhất bạn có thể làm, cùng với việc ở nhà nếu bạn ốm.

Nếu tôi đi du lịch thì sao?

C.D.C. cảnh báo những du khách lớn tuổi và có nguy cơ nên tránh Nhật Bản, Italy và Iran.

Cơ quan này cũng đã khuyến cáo chống lại tất cả chuyến du lịch không cần thiết đến Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nên chuẩn bị thế nào nếu dịch lây lan?

Giữ dự trữ thuốc thiết yếu trong 30 ngày. Hãy tiêm phòng cúm.

Chuẩn bị sẵn đồ gia dụng thiết yếu và hệ thống hỗ trợ tại chỗ cho các thành viên gia đình cao tuổi.

Virus đã lây lan tới đâu?

Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 120.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Virus truyền nhiễm thế nào?

Theo nghiên cứu sơ bộ, nó có vẻ truyền nhiễm vừa phải, tương tự SARS, và có lẽ được truyền qua hắt hơi, ho và bề mặt bị ô nhiễm.

Các nhà khoa học ước tính mỗi người nhiễm bệnh có thể lây sang khoảng 1,5-3,5 người nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Ai đang làm việc để ngăn chặn virus?

Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới đã làm việc với các quan chức ở Trung Quốc, nơi sự phát triển của dịch bệnh đang chậm lại.

Nhưng trong tuần này, khi các trường hợp được xác nhận tăng vọt ở hai châu lục, các chuyên gia cảnh báo rằng thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn.


Nguồn: Báo Zing